=== TÌM KIẾM THÔNG TIN LÚA GẠO ===

=== BÀI VIẾT MỚI NHẤT ===

=== BÀI ĐĂNG PHỔ BIẾN ===


Thứ Năm, 15 tháng 5, 2008

SINH VẬT HẠI LÚA ĐÔNG XUÂN VÀ QUI TRÌNH SẢN XUẤT LÚA VỤ ĐÔNG XUÂN 2007-2008 TẠI TP.HCM

LUAGAO - Thành phố Hồ Chí Minh có tổng diện tích sản xuất lúa gần 18.000 ha với 3 vùng rõ rệt: vùng chịu ảnh hưởng thuỷ triều (sản xuất 1 vụ lúa), vùng sử dụng nước mưa (sản xuất 2 vụ lúa) và vùng sử dụng nước kênh đông (sản xuất 3 vụ lúa), trong đó vụ mùa là vụ có diện tích cao nhất (khoảng 18.000 ha) và vụ đông xuân thường đạt năng suất cao nhất (>4 tấn/ha).
Diện tích lúa đông xuân hàng năm từ 7.000 ha – 9.000 ha với những đặc trưng như sau:
- Sản xuất tập trung tại huyện Củ Chi (vùng sử dụng nước kênh đông, vùng ven sông Sài Gòn) và 1 phần huyện Hóc Môn, quận 9.
- Thời vụ xuống giống chủ yếu trong tháng 12 để thu hoạch trong tháng 3 năm sau nhằm tránh các đợt rầy di trú lớn trong năm và tránh ngập nước vào đầu vụ, thiếu nước ở cuối vụ.
- Có khoảng trên 20 giống lúa được gieo trồng trong vụ và chỉ có từ 3-5 giống có diện tích gieo trồng > 10%.
I. DỰ BÁO TÌNH HÌNH SINH VẬT HẠI LÚA ĐÔNG XUÂN 2007-2008
Trong vụ đông xuân các giống lúa được gieo trồng phổ biến tại thành phố thường là giống có phẩm chất gạo ngon, dễ bán…tuy nhiên các giống này thường nhiễm rầy nâu và nhiễm bệnh đạo ôn. Do vậy trong vụ đông xuân 2007-2008 cần lưu ý đặc biệt rầy nâu – bệnh do rầy nâu làm môi giới lan truyền và bệnh đạo ôn (cháy lá).
1. Rầy nâu:
Rầy nâu trưởng thành vào đèn trùng với thời điểm có các đợt gió bão nên diễn biến rầy nâu vào đèn khá phức tạp đặc biệt là ở huyện Củ Chi.
- Trong vụ đông xuân, mỗi tháng sẽ có 1 lứa rầy và đỉnh cao mật số rầy xuất hiện ngay từ lứa thứ nhất; tuy nhiên do xuống giống không tập trung và diễn biến thời tiết phức tạp nên nếu đủ nước và có mưa trái mùa thì đỉnh cao rầy nâu gây hại có thể rơi vào tháng 2 năm 2008 khi mà phần lớn diện tích lúa đông xuân đã xuống giống đang giai đoạn đẻ nhánh đến trổ.
- Giống lúa đông xuân là giống ngắn ngày (100 ngày) và trên một cánh đồng sẽ có rất nhiều trà lúa, giống lúa xen kẻ lẫn nhau nên rất khó có khả năng rầy nâu bộc phát thành dịch trên diện rộng nhưng sẽ gây cháy chòm, cháy lõm cục bộ nếu không phòng trị kịp thời.
- Diện tích có thể nhiễm rầy nâu trong vụ đông xuân 2007-2008 ước khoảng 20% diện tích (1.000 ha) và tập trung vùng sử dụng nước kênh đông (huyện Củ Chi).
2. Bệnh vàng lùn, lùn xoắn lá (VL-LXL):
- Bệnh vàng lùn, lùn xoắn lá vẫn còn và phân bố rãi rác trên địa bàn thành phố, vì vậy nguy cơ rầy nâu chích hút và lây lan bệnh vàng lùn, lùn xoắn lá từ vụ mùa 2007 sang vụ đông xuân 2007 - 2008 vẫn còn.
- Dự báo các diện tích lúa xuống giống xen lẫn trong lúa mùa và xuống giống trước các đợt rầy nâu di trú lớn (đợt tháng 11, đợt tháng 12/2007) đều có nguy cơ nhiễm bệnh ở các mức độ khác nhau.
- Diện tích có thể nhiễm bệnh VL, LXL khoảng 200 ha, tập trung ở huyện Củ Chi, huyện Hóc Môn.
3. Bệnh đạo ôn (cháy lá):
- Thời tiết lạnh dần sáng sớm có nhiều sương mù, ngày nắng yếu sẽ rất thích hợp cho bệnh đạo ôn phát sinh gây hại, nhất là các giống dễ nhiễm, các khu vực thường nhiễm bệnh năm trước và trà lúa gieo sạ quá dầy.
- Các giống nhiễm bệnh đạo ôn: VD20, ST3, OM 1490, IR 65610, Trâu Nằm.
4. Ốc bươu vàng:
- Ốc bươu vàng vẫn là dịch hại thường xuyên trong ruộng lúa và ốc chỉ gây thiệt hại nặng ở diện tích lúa dưới 10 ngày tuổi, nếu có mật độ 5-7 con/m2.
- Các khu vực chịu ảnh hưởng thuỷ triều và vùng sử dụng nước kênh đông là những khu vực sẽ bị ốc tấn công và gây hại, tập trung ở huyện Củ Chi.
5. Sinh vật hại khác:
Ngoài ra cũng cần lưu ý các đối tượng sinh vật hại có thể phát sinh gây hại cục bộ như sâu cuốn lá nhỏ, rầy cánh trắng, bọ trĩ, sâu phao, chuột, bệnh khô vằn, tuyến trùng rễ, bệnh vàng lá chín sớm …
II. QUY TRÌNH SẢN XUẤT LÚA ĐÔNG XUÂN
1. Vệ sinh đồng ruộng:
- Để tiêu diệt triệt để nguồn bệnh trước khi gieo sạ lúa vụ sau phải thực hiện tốt các biện pháp vệ sinh đồng ruộng, như: cày, trục vùi lúa chét, dọn sạch cỏ bờ ruộng, mương dẫn nước.
- Biện pháp diệt cỏ dại, lúa chét:
* Cày bừa chôn cỏ, lúa chét hoặc dùng phảng chặt cỏ dại, lúa chét trước; xong cày lật chôn cỏ dại, lúa chét.
* Sử dụng thuốc diệt cỏ: Star, Sofit, Sirius…
* Sàng sẩy loại bỏ hạt cỏ lẫn trong giống dùng gieo sạ.
* Sử dụng phân hữu cơ đã ủ hoai, để tránh hạt cỏ còn sống trong phân.
- Đối với ruộng lúa đã nhiễm bệnh vụ mùa phải thực hiện xong công tác vệ sinh đồng ruộng trước khi xuống giống vụ đông xuân từ 20-30 ngày.
2. Thời vụ:
- Thời vụ gieo trồng vụ đông xuân: 1/10/2006 đến 31/03/2007, tuy nhiên tháng 11, tháng 12 là thời điểm xuống giống lúa thích hợp nhất để tránh rầy di trú vào cuối tháng 11 và tránh ngập nặng vào đầu vụ thiếu nước ở cuối vụ.
- Thời điểm xuống giống của từng cánh đồng cần căn cứ vào số liệu bẫy đèn và phải đảm bảo có thời gian cách ly tối thiểu giữa vụ mùa và vụ đông xuân là 15-20 ngày và từ 1-3 ngày sau khi rầy vào đèn rộ để khi rầy di trú nhiếu nhất thì lúa chưa gieo cấy và khi đến đợt rầy di trú của tháng sau thì lúa và mạ đã trên 25 ngày tuổi.
3. Giống lúa:
- Sử dụng giống xác nhận, kháng rầy nâu, sạch bệnh, sạch hạt cỏ, phù hợp với điều kiện canh tác của địa phương.
- Các giống lúa được Cục Trồng trọt khuyến cáo sử dụng trên địa bàn thành phố trong vụ đông xuân 2007-2008: VND 95-20, VND 99-3, OMCS 2000, OM 2717, OM 2718, IR64, …
4. Lượng giống:
Tùy vào chân đất, chất lượng hạt giống và phương pháp gieo sạ mà định lượng giống sử dụng:
- Đối với sạ hàng: từ 70-100 kg/ha/vụ.
- Đối với sạ lan : từ 90-120 kg/ha/vụ.
5. Quản lý nước:
- Trong tuần đầu tiên sau sạ, chỉ cần giữ mực nước ruộng từ bão hoà đến cao khoảng 1 cm.
- Mực nước trong ruộng sẽ được giữ cao khoảng 1-3 cm theo giai đoạn phát triển của cây lúa và giữ liên tục cho đến khi bón phân lần 2, giai đoạn này nước là nhu cầu thiết yếu để cây lúa phát triển, cũng nhằm hạn chế sự mọc mầm của các loài cỏ.
- Giai đoạn cây lúa từ 25-40 NSS, cây lúa đẻ nhánh rộ đến đẻ nhánh tối đa và phần lớn số chồi vô hiệu thường phát triển trong giai đoạn này. Giữ mực nước trong ruộng từ bằng mặt đất đến thấp hơn mặt đất 15 cm (đặt ống nhựa có đục lỗ bên hông, bên trong có chia vạch 5cm để theo dõi mực nước bên trong ống). Cách điều tiết này sẽ làm phơi lộ mặt ruộng vì vậy còn gọi là kỹ thuật tưới “ướt khô xen kẻ”.
- Giai đoạn từ 40-45 NSS, đây là giai đoạn bón phân lần 3, cần đưa nước vào khoảng 1-3 cm trước khi bón phân nhằm để tránh phân bị ánh sáng làm phân huỷ và phân bị bốc hơi, nhất là phân đạm.
- Giai đoạn 60-70 NSS, đây là giai đoạn lúa trổ do vậy cần giữ mực nước trong ruộng cao 3-5 cm liên tục trong vòng khoảng 10 ngày để đủ nước cho cây lúa trổ, vì có nước trong ruộng sẽ tạo cho nhiệt độ trong ruộng không quá nóng, cây lúa thụ phấn dễ dàng, hạt lúa không bị lép hay lửng.
- Giai đoạn 70 NSS đến thu hoạch, đây là giai đoạn lúa ngậm sữa - chắc xanh và chín, chỉ cần giữ mực nước từ bằng mặt đất đến thấp hơn mặt đất 15 cm; và phải “xiết nước” 10 ngày trước khi thu hoạch để mặt ruộng được khô, dễ thu hoạch.
6. Dặm tỉa:
Nên cấy dặm sớm từ 14-18 ngày sau sạ vào những chỗ bị chết hay bị mất cây để đảm bảo mật độ cây trong ruộng lúa được đồng đều.
7. Sử dụng phân bón:
7.1. Quy trình bón phân (lượng phân bón cho 1 ha lúa): Nếu sử dụng phân đơn, có thể áp dụng cách bón như sau:
- Trước sạ: Bón lót phân hữu cơ + 200kg super lân.
- Thúc lần 1 (8-10 ngày sau sạ ): 50kg urê.
- Thúc lần 2 (18-20 ngày sau sạ): 60kg urê.
- Thúc lần 3 (bón đón đòng 35 ngày sau sạ): 50kg KCl + 50 kg urê. Nếu sử dụng phân hỗn hợp, có thể áp dụng cách bón như sau:
- Bón trước sạ: Bón lót phân hữu cơ + 200 kg super lân
- Bón thúc lần 1 (8-10 ngày sau sạ): 120 kg NPK (20-10-10) hoặc 150 kg NPK (16-16-8). - Bón thúc lần 2 (18-20 ngày sau sạ): 140 kg NPK (20-10-10) hoặc 170 kg NPK (16-16-8). - Bón thúc lần 3 ( bón đón đòng 35-40 ngày sau sạ): 50 kg urê.
Lưu ý: Tùy theo chân đất có thể tăng giảm lượng phân cho phù hợp.
7.2. Sử dụng bảng so màu lá lúa để bón phân đạm:
a. Thời điểm tiến hành so màu:
- Bón thúc lần 1: Không cần dùng bảng so màu.
- Bón thúc lần 2: lúc 18-20 ngày sau sạ và sau đó cách 2-3 ngày so lại.
- Bón thúc lần 3: khoảng 35 ngày sau sạ và sau đó cách 2-3 ngày so lại.
b. Cách thực hiện so màu lá lúa:
- Nên so màu vào cùng thời gian trong ngày, có thể từ 8-10 giờ sáng hoặc từ 2-4 giờ chiều.
- Chỉ một người thực hiện việc so màu lá lúa trong suốt vụ lúa.
- Khi so màu lá lúa nên xoay lưng về phía mặt trời để che mát cho lá lúa, dễ thấy màu sắc hơn.
- Chọn khoảng 20 lá lúa (lá cao nhất trong bụi lúa) của 5 điểm khác nhau trên ruộng, đặt phần lá lúa ở khoảng 1/3 đến 2/5 chóp lá lúa lên khung màu trong bảng so màu, ghi nhận số khung màu của từng lá, sau đó tính trị số trung bình của 20 lá được so màu.
- Nếu trị số trung bình ở dưới khung màu chuẩn (khung màu chuẩn là khung số 3 đối với lúa sạ) là thiếu đạm, tiến hành bón đạm theo lượng đã tính.
- Tùy theo điều kiện canh tác từng vụ thực hiện so màu để bón thúc lần 2 và lần 3 có thể sớm hoặc muộn hơn.
8. Bảo vệ thực vật cây lúa đông xuân:
8.1. Rầy nâu:

a. Các biện pháp phòng:
- Sử dụng giống kháng rầy;
- Gieo, cấy lúa vào thời gian có thể né rầy: thường mỗi tháng có một đợt rầy vào đèn rộ kéo dài từ 5-7 ngày; để né rầy thì gieo sạ ngay sau đỉnh cao rầy vào đèn, như vậy lúa non sẽ tránh được rầy trưởng thành truyền bệnh;
- Để bảo vệ cây lúa non, sau khi sạ cấy nên cho nước vào ruộng và tiếp tục duy trì mực nước thích hợp để hạn chế rầy nâu chích hút thân cây lúa.
b. Điều tra phát hiện rầy nâu:
- Từ ngày thứ 5-7 sau khi rầy vào đèn rộ là thời điểm kiểm tra trứng rầy để dự báo tỷ lệ nở, thời gian rầy nở rộ để chuẩn bị diệt trừ.
- Từ ngày thứ 7-10 sau khi rầy vào đèn rộ là bắt đầu có rầy cám, nên kiểm tra đồng ruộng hàng ngày để xác định mật số rầy, thời điểm phòng trừ, biện pháp phòng trừ phù hợp có hiệu quả.
- Từ ngày thứ 13-15 sau khi rầy vào đèn rộ là rầy non xuất hiện rộ và đạt tuổi 2, tuổi 3 (rầy đã chuyển màu nâu) nên tiến hành trừ rầy nếu có mật độ cao.
c. Trừ rầy ruộng nhiễm bệnh VL, LXL:
- Giai đoạn lúa từ sau gieo sạ đến 20 ngày: nếu phát hiện rầy nâu xuất hiện thì phun thuốc trừ rầy.
- Giai đoạn từ sau 20 ngày đến trổ chín: nếu phát hiện rầy ở tuổi 1-3, hoặc rầy trưởng thành chiếm đa số trong ruộng với mật số từ 3 con/dảnh trở lên thì phun thuốc trừ rầy. d. Trừ rầy ruộng không nhiễm bệnh vàng lùn, lùn xoắn lá:
- Giai đoạn lúa từ sau gieo sạ đến 20 ngày: nếu phát hiện rầy nâu xuất hiện thì phun thuốc trừ rầy.
- Giai đoạn từ sau 20 ngày đến trổ chín phun thuốc trừ rầy cần dựa vào kết quả phân tích hệ sinh thái ruộng lúa:
* Tỷ lệ rầy nâu/thiên địch: 5-7 rầy/0 thiên địch.
* Tuổi rầy phổ biến: tuổi 2, tuổi 3.
đ. Loại thuốc, liều lượng sử dụng:
- Thuốc trừ rầy Butyl 400 SC: Liều dùng 200ml/ ha (20cc/ 1.000 m2). Nồng độ pha 4-5ml/ bình 8 lít.
- Thuốc Bascide 50ND: Liều dùng 1,5 lít/ ha (150ml/1.000m2). Nồng độ pha 40ml/ bình 8 lít.
- Lượng nước thuốc phun: 400 lít nước/ha khi lúa giai đoạn mạ - đẻ nhánh và 600 lít nước/ha khi lúa giai đoạn trổ.
e. Kỹ thuật:
- Trước khi phun thuốc nếu có điều kiện nên cho nước ngập để rầy di chuyển lên cao, xịt dễ trúng rầy hơn.
- Phun thật kỹ ở phần gốc lúa và nên rẽ hàng với khoảng cách mỗi vạt luá từ 1-2 mét.
8.2. Bệnh vàng lùn, lùn xoắn lá (VL-LXL):
- Vận động nông dân tích cực xuống giống “ né rầy”.
- Tuyên truyền, vận động nông dân khi làm cỏ bón phân cho lúa nên kết hợp nhổ bỏ cây lúa nhiễm bệnh VL,LXL.
- Phun thuốc trừ rầy nâu tại các ruộng lúa nhiễm nặng bệnh VL, LXL (diện tích có tỷ lệ cây bệnh giai đoạn đẻ nhánh >10% và giai đoạn đòng >20%).
- Bắt buộc tiêu huỷ diện tích nhiễm bệnh VL-LXL với tỉ lệ 30-70% mà xuất hiện rầy nâu.
8.3. Chuột:
Đặc biệt lưu ý các khu đồng ruộng gần vùng đất bỏ hoang là nơi chuột trú ẩn và gia tăng mật số trong quần thể. Phòng trừ chuột ngay từ đầu vụ. Có thể áp dụng các biện pháp như đào hang, dùng bẫy lồng, bẫy sập để bắt chuột hoặc dùng bẫy bả bằng các loại thuốc diệt chuột thông dụng. Không dùng điện để bẫy chuột.
8.4. Sâu cuốn lá nhỏ:
Sâu cuốn lá có thể phát sinh mạnh và gây hại cho lúa đông xuân giai đoạn đẻ nhánh, làm đòng. Thành phần thiên địch của sâu cuốn lá nhỏ hiện nay rất nhiều trên đồng ruộng, do vậy không nên phun thuốc trong giai đoạn 40 ngày đầu sau sạ. Nhiều loại thuốc hóa học có thể trừ được sâu cuốn lá: Netoxin, Padan, Sherpa, Cyperin…
8.5. Bệnh đạo ôn (cháy lá):
- Dùng giống kháng hoặc giống ít nhiễm bệnh.
- Gieo sạ mật độ vừa phải.
- Bón cân đối phân N, P, K. Không bón quá nhiều đạm. Khi lúa bị bệnh phải ngưng bón đạm và không để ruộng ở tình trạng khô nước.
- Đối với các giống nhiễm cần phun ngừa bệnh đạo ôn cổ bông trước khi lúa trổ để tránh thiệt hại.
- Sử dụng các loại thuốc trừ bệnh đạo ôn thông dụng như Fuji-One, Trizole, Tilt…
8.6. Bệnh đốm vằn:
- Gieo sạ mật độ vừa phải.
- Bón cân đối phân N, P, K, không nên bón quá thừa đạm, quá muộn.
- Trên ruộng thường bị đốm vằn nên tăng cường bón Kali. Nếu phát hiện bệnh phải ngưng bón đạm và phun thuốc trừ bệnh ngay.
- Dùng các loại thuốc: Anvil, Rovral…
8.7. Ốc Bươu vàng:

- Để ngăn ốc vào ruộng lúa, ruộng rau muống, rau nhút có thể dùng bạt nylon vây quanh ruộng mạ hoặc đặt lưới chắn ốc ở các miệng cống.
- Ở những khu vực đang có nhiều ốc nên cấy mạ già và nhiều tép, nếu ruộng sạ thì tăng thêm lượng giống để bù đắp lượng giống do ốc ăn.
- Trên ruộng lúa chủ động được nước cần vét rãnh nhỏ dọc theo dọc bờ và định kỳ tháo cạn nước ruộng, ốc sẽ theo nước di chuyển tập trung vào các rãnh nên có thể bắt ốc dễ dàng.
- Trên các ruộng lúa không chủ động nước có thể dẫn dụ ốc để bắt bằng cách thả những thức ăn ốc thích như lá thân cây đu đủ, lá khoai mì, thầu dầu. …để ốc tập trung lại, thu bắt.
- Cắm những cành cây, que nhỏ trong ruộng cao hơn mặt nước, ốc sẽ tập trung leo lên đẻ trứng trên những que này, thu và tiêu hủy trứng ốc.
- Chỉ sử dụng thuốc trừ ốc ở những vùng không nuôi trồng thuỷ sản và đảm bảo các yêu cầu kỹ thuật ghi trên nhãn, đặc biệt ruộng phải giữ được mực nước nông từ 3 cm đến 5 cm trong vòng 3 đến 5 ngày sau khi rãi thuốc.

KS. Nguyễn Thị Lệ Thoa

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Thân mời mọi người ghé thăm Blog nhận xét. Tôi sẽ phản hồi trong thời gian sớm nhất! Các bạn vui lòng để lại Email, đễ những phản hồi gởi đến trực tiếp các bạn. Trân trọng!

BÁO NÔNG NGHIỆP VIỆT NAM - KHOA HỌC KỸ THUẬT

BÁO NÔNG NGHIỆP VIỆT NAM - KHUYẾN NÔNG

NÔNG THÔN MỚI - BÁO DÂN VIỆT