=== TÌM KIẾM THÔNG TIN LÚA GẠO ===

=== BÀI VIẾT MỚI NHẤT ===

=== BÀI ĐĂNG PHỔ BIẾN ===


Chủ Nhật, 11 tháng 5, 2008

Chương trình 1 triệu ha lúa lai: Đầu tư cả ngàn tỷ đồng, được gì?




Chương trình lúa lai là một thành tựu của Trung Quốc, nhưng chất lượng kém, chủ yếu phục vụ… chăn nuôi và đang bị loại bỏ. Trong khi đó, Việt Nam đặt mục tiêu đến 2010 trồng 1 triệu ha lúa lai.
Trồng thử nghiệm lúa lai F1 ở huyện Triệu Sơn, tỉnh Thanh Hoá
Đầu tư 20 tỷ đồng vẫn phải nhập giống Trung Quốc
Theo Bộ NN&PTNT, đến nay kinh phí cấp cho chương trình nghiên cứu hạt giống lúa lai là gần 20 tỷ đồng, gồm chi xây dựng cơ bản, sự nghiệp…
Kết quả, theo đánh giá chủ quan của Trung tâm Nghiên cứu và phát triển lúa lai (NC&PTLL): Đã nghiên cứu làm chủ được công nghệ lúa lai 3 dòng và bước đầu làm chủ về công nghệ lúa lai 2 dòng, là cơ sở vững chắc cho sản xuất lúa lai.
Tuy nhiên, hiện nguồn giống lúa lai vẫn phải nhập từ Trung Quốc. TS Nguyễn Trí Hoàn - Giám đốc Trung tâm - đưa ra 2 bài toán để chứng minh cho hiệu quả sản xuất lúa lai và việc đổ hàng chục tỷ đồng vào việc này là hiệu quả:
Giá thành giống lúa lai sản xuất trong nước là 10.000 đồng/kg, thấp hơn giá giống nhập từ Trung Quốc 8.000 đồng/kg, Việt Nam đã tiết kiệm được 10 tỷ đồng. Nông dân do sử dụng giống lúa lai của chương trình cấy trên diện tích 50.000 ha doanh thu tăng thêm là 150 tỷ đồng.
Tuy nhiên, trên thực tế nông dân sử dụng lúa lai Trung Quốc, năng suất lúa vẫn cao hơn năng suất sử dụng giống lúa lai trong nước. Bởi thế, nông dân gần như không thích mua giống lúa lai trong nước, vì nghi ngờ chất lượng.
Nhiều tỉnh phía Bắc vẫn phải móc hầu bao từ 3 - 5 tỷ đồng để trợ giá cho nông dân mua giống lúa lai của Trung Quốc, dù giá cao gấp gần 2 lần.
Theo GS.TS Nguyễn Ngọc Kính - Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội Giống cây trồng Việt Nam, đến nay, Việt Nam vẫn chưa tạo được dòng bất dục đực (dùng để tạo cặp lai ra dòng F1) nên vẫn phải nhập từ Trung Quốc thông qua doanh nghiệp một số dòng để tạo cặp lai.
Trong khi đó, Trung Quốc liên tục tạo được những cặp lai với ưu thế mới. Vậy nên, dù nghiên cứu có cho ra giống lúa lai với giá thành 10.000 đồng/kg cũng là quá đắt.
Theo Hội Giống cây trồng Việt Nam, năm 2002 Bộ NN&PTNT chuẩn bị trình Chính phủ phê duyệt chương trình nghiên cứu giống lúa lai với tổng vốn đầu tư 1.200 tỷ đồng, nhưng Hội cho rằng, như thế là lãng phí và Bộ đã dừng lại.
Năm 2004, Bộ sửa lại chương trình với tổng vốn 288 tỷ đồng, Hội tiếp tục phản đối…
Nhiều người cho rằng, chương trình nghiên cứu giống lúa lai là chương trình lặp lại Chương trình giống cây trồng Chính phủ đã phê duyệt. Nếu tiếp tục trình Chính phủ xin hàng trăm tỷ đồng cho tạo giống lúa lai thì lãng phí sẽ lớn khủng khiếp.
Có nên phát triển lúa lai?
Chương trình lúa lai là một thành tựu lớn của Trung Quốc, nhưng nó chỉ có giá trị về tăng sản lượng, còn chất lượng gạo lại quá thấp, nên chủ yếu phục vụ… chăn nuôi là chính, hoàn toàn không có giá trị xuất khẩu.
Hội thảo đầu bờ về khảo nghiệm lúa lai tại Hương Canh (Vĩnh Phúc) Ảnh: CTVCòn ở Việt Nam đặt mục tiêu đến 2010 trồng 1 triệu ha lúa lai. Thậm chí có nơi như Đức Thọ (Hà Tĩnh) còn bắt dân trồng lúa lai.
Trong khi đó thì ở quê hương lúa lai là Trung Quốc, diện tích lúa lai đã giảm từ 17,7 triệu ha (năm 1997) xuống 15 triệu ha (năm 2003), bằng 50% tổng diện tích lúa cả nước. Băng-la-đét, trồng 3% diện tích lúa lai. Ấn Độ trồng 1% diện tích.
Một nghịch lý khác khi phát triển lúa lai là: tất cả các nhà khoa học tuyên truyền cho chương trình lúa lai đều không ăn gạo từ lúa lai; tỉnh Điện Biên bị “ấn” trồng lúa lai như cũng đã xoá bỏ để trồng lúa thuần.
Theo Bộ NN&PTNT, những năm qua, Nhà nước đã phải đầu tư hàng nghìn tỷ đồng để phát triển lúa lai thông qua các chương trình: Nghiên cứu khoa học, chương trình khuyến nông, chuyển dịch cơ cấu sản xuất, các dự án hợp tác quốc tế, nghiên cứu lai tạo giống, hỗ trợ vật tư sản xuất lúa lai F1, tập huấn sản xuất, trợ giá giống lúa lai cho nông dân...
Tiền rải ra cho phát triển lúa lai nhiều như nước. Nhưng GS Kính đặt câu hỏi: Phát triển rầm rộ lúa lai nông dân được gì? Theo GS Kính, chúng ta đặt mục tiêu, kế hoạch trồng lúa lai cứng nhắc, nông dân không được lợi, vì lúa chất lượng thấp khó bán.
Còn Cty giống thì bán 1 tấn giống lúa lai, họ lãi 1,5 triệu đồng. Là nước luôn đứng trong tốp đầu về xuất khẩu gạo mà vẫn chủ trương đẩy mạnh sản lượng là không hợp lý.
Nhìn từ khía cạnh môi trường, ông Nguyễn Văn Hoan - Chuyên gia lúa lai thuộc Đại học Nông nghiệp 1 Hà Nội cho biết, diện tích lúa lai đã đạt ngưỡng cần hạn chế.
Nếu cứ đẩy mạnh trồng lúa lai thì phải dùng nhiều phân bón, thuốc trừ sâu… và đất bị bạc màu. Cần xem xét lại việc mở rộng diện tích, đánh giá lại hiệu quả lúa lai đang là đòi hỏi chính đáng của nông dân.
Với thực tế này, nếu tiếp tục đầu tư thêm hàng nghìn tỷ đồng để phát triển thêm 500.000 ha lúa lai để đạt mục tiêu 1 triệu ha vào năm 2010 rất có thể sẽ gây ra hậu quả khó lường.


Quyền Thành

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Thân mời mọi người ghé thăm Blog nhận xét. Tôi sẽ phản hồi trong thời gian sớm nhất! Các bạn vui lòng để lại Email, đễ những phản hồi gởi đến trực tiếp các bạn. Trân trọng!

BÁO NÔNG NGHIỆP VIỆT NAM - KHOA HỌC KỸ THUẬT

BÁO NÔNG NGHIỆP VIỆT NAM - KHUYẾN NÔNG

NÔNG THÔN MỚI - BÁO DÂN VIỆT