=== TÌM KIẾM THÔNG TIN LÚA GẠO ===

=== BÀI VIẾT MỚI NHẤT ===

=== BÀI ĐĂNG PHỔ BIẾN ===


Thứ Ba, 29 tháng 4, 2008

HỘI THẢO QUỐC TẾ LÚA LAI (TT)

Hideshi Yasui, Khin Khin Marlar Myint, Daiske Fujita và M. Matsumura, 2007. Di truyền tính kháng rầy xanh và rầy nâu lúa. Trong tạp chí: Hội thảo quốc tế lúa lai và hệ sinh thái nông nghiệp. Trường ĐHNN 1 Hà Nội, ngày 22 – 24 tháng 11 năm 2007. Nhà xuất bản Nông Nghiệp, trang 18. Bổ sung tính kháng côn trùng vào các giống lúa và việc quản lý sâu bệnh hợp lý thông qua việc sử dụng giống kháng là cần thiết để duy trì việc cung cấp ổ định lương thực cho hầu hết các vùng trồng lúa. Rầy nâu (BPH), Nilaparvata lugens Stal., là một trong những loài dịch hại nguy hiểm và gây những thiệt hại nghiêm trọng trên lúa tại hầu khắp các vùng trồng lúa ở châu Á. Mười chín gen kháng BPH đã được tìm thấy trên một số giống lúa Indica và lúa dại. Trong thời gian gần đâycác nghiên cứu về bản đồ phân tử về gen kháng BPH cho thấy các giống kháng cao đối với BPH thương mang đa gen kháng. Chính vì vậy, chúng tôi đã phát triển một số dòng đẳng gen kháng BPH để lai tạo giống lúa bằng chỉ thị phân tử (MAS). Chúng tôi cũng tìm thấy tập hợp các gen điều khiển trong quần thể BPH của Đông Á, các gen kháng BPH đặc biệt này có vai trò trong một tuýp rầy có độc tính cao. Để quản lý dịch hại một cách bền vững cần sử dụng các giống lúa có tính kháng rầy. Thêm vào đó, việc phát triển các dòng đẳng gen và các dòng đa gen với một số các gen kháng rầy xanh (GRH), Nephotettix cincticeps Uhler sẽ được trình bày và các cấp độ kháng BPH sẽ được thảo luận.
***
Vu Thi Thu Hien, Nguyen Van Hoan, Hideshi Yasui và Atsushi Yoshimura, 2007. Chọn lọc dòng bất dục đực di truyền nhân cảm ứng nhiệt độ kháng bạc lá bằng các chỉ thị phân tử. Trong tạp chí: Hội thảo quốc tế lúa lai và hệ sinh thái nông nghiệp. Trường ĐHNN 1 Hà Nội, ngày 22 – 24 tháng 11 năm 2007. Nhà xuất bản Nông Nghiệp, trang 19. Giống lúa lai quốc gia đầu tiên của Việt Nam, Việt Lai 20 được lai giữa dòng bất dục đực kiểu TGMS kí hiệu là 103S và giống R20, cho năng suất tốt và thời gian sinh trưởng ngắn nhưng vẫn nhiễm bệnh bạc lá. Bệnh bạc lá (Xanthomonas oryzae pv. oryzae) gây hại nặng cho sản xuất lúa lai ở Việt Nam. Hai gen kháng bệnh bạc lá là xa5 và xa21 đã được xác định có khả năng kháng với các chủng bạc lá ở Việt Nam. Mục đích của nghiên cứu này là lai chuyển gen kháng bạc lá Xa21 vào dòng 103S thông qua phép lai lại và chọn lọc dựa vào chỉ thị đánh dấu phân tử (Marker assisted selection MAS). Dòng cho gen kháng là IRBB21, một dòng đồng đẳng chứa gen Xa21 có nền di truyền của IR24. Hai bộ marker đã được sử dụng để chọn các cây dị hợp ở cả hai vị trí gen gây bất dục và gen Xa21 ở thế hệ BC1F1, BC2F1 và BC3F1 và chọn lọc cây đồng hợp ở thế hệ BC3F2. Các cây dị hợp chọn lọc được dùng làm cây cho phấn trong các thế hệ lai lại. Ở thế hệ BC3F1 và BC3F2, chúng tôi còn sử dụng 74 marker đa hình giữa 103S và IRBB21 trải rộng trên toàn bộ 12 nhiễm sắc thể để khảo sát và chọn lọc các cá thể có kiểu gen của 103S. Thí nghiệm lây nhiễm bạc lá được thực hiện ở thế hệ BC3F3. Kết quả chọn lọc MAS và lây nhiễm chủng bạc lá (chủng 2 và 3) của Việt Nam ở thế hệ BC3F3 đã thu được những dòng bất dục cải tiến giống dòng 103S có chứa gen kháng bạc lá Xa21, tạm thời được đặt tên 103S(Xa21). Các dòng được chọn này sẽ tiếp tục được đánh giá khả năng kết hợp ở các nghiên cứu tiếp sau.
***
Nguyen Van Hoan, Vu Hong Quang và Pham Van Cuong, 2007. Kết quả chọn tạo dòng bất dục đực di truyền nhân mẫn cảm ứng với nhiệt độ 135S. Trong tạp chí: Hội thảo quốc tế lúa lai và hệ sinh thái nông nghiệp. Trường ĐHNN 1 Hà Nội, ngày 22 – 24 tháng 11 năm 2007. Nhà xuất bản Nông Nghiệp, trang 20. Trong giai đoạn 2003 – 2006, dòng bất dục đực di truyền nhân cảm ứng với nhiệt độ (TGMS) mới là 135S được chọn lọc bằng phương pháp phả hệ từ tổ hợp lai giữa dòng TGMS 103S với dòng TGMS Peiai64S. Chúng tôi tiến hành đánh giá đặc tính bất dục và một số đặc tính nông sinh học của dòng 135S. Kết quả cho thấy dòng 135S có kiểu cây mới và thời gian sinh trưởng ngắn (70 – 80 ngày). Dòng này hoàn toàn bất dục trong điều kiện nhiệt độ cao và khả năng nhận phấn ngoài cao. Dòng TGMS 135S cũng cho năng suất cao (4,86 tấn/ha) trong thí nghiệm nhân dòng ở giai đoạn hữu dục. Trong quá trình sản xuất hạt lai F1 dòng TGMS này chỉ yêu cầu lượng GA3 rất thấp trong việc kích thích nhận phấn ngoài trong quá trình sản xuất hạt lai F1.
Hơn nữa dòng 135S có khả năng kết hợp rất cao với các dòng bố mẹ. Các tổ hợp lai F1 được tạo ra từ dòng này với 6 dòng bố là (R45, R50, R63, 9311, Số 44, Số 154) cho ưu thế lai cao về năng suất hạt vượt giống Bồi Tạp Sơn Thanh là giống lúa lai Trung Quốc từ 2 – 4 tấn/ha. Vì vậy từ đặc điểm năng suất nhân dòng cao đồng thời năng suất sản xuất hạt lai F1 và lúa lai thương phẩm cao, dòng TGMS 135S có thể sử dụng trong hệ thống lúa lai hai dòng trên toàn quốc.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Thân mời mọi người ghé thăm Blog nhận xét. Tôi sẽ phản hồi trong thời gian sớm nhất! Các bạn vui lòng để lại Email, đễ những phản hồi gởi đến trực tiếp các bạn. Trân trọng!

BÁO NÔNG NGHIỆP VIỆT NAM - KHOA HỌC KỸ THUẬT

BÁO NÔNG NGHIỆP VIỆT NAM - KHUYẾN NÔNG

NÔNG THÔN MỚI - BÁO DÂN VIỆT