=== TÌM KIẾM THÔNG TIN LÚA GẠO ===

=== BÀI VIẾT MỚI NHẤT ===

=== BÀI ĐĂNG PHỔ BIẾN ===


Thứ Bảy, 26 tháng 4, 2008

Tin Khoa Học - Hội thảo quốc tế lúa lai

Trần Đức Viên, 2007. Sản xuất lúa lai ở Đồng Bằng Sông Hồng: Triển vọng của nông dân. Trong tạp chí: Hội thảo quốc tế lúa lai và hệ sinh thái nông nghiệp. Trường ĐHNN 1 Hà Nội, ngày 22 – 24 tháng 11 năm 2007. Nhà xuất bản Nông Nghiệp, trang 12. Nghiên cứu này nhằm đánh giá về hiện trạng sản xuất lúa lai ở Đồng bằng Sông Hồng, tập trung vào đánh giá và nhận thức của nông dân về lúa lai. Những giống lúa lai chính gồm Nhị ưu 838 và Dân ưu 527 (Trung Quốc), TH3 – 3 (Việt Nam), và giống lúa cải tiến là Bắc Thơm 7 (BT7) và Khang Dân (KD) được sử dụng trong nghiên cứu này. Chúng tôi tiên hành phỏng vấn 100 hộ nông dân trồng lúa tại tỉnh Hà Tây và Nam Định. Phương pháp phân tích Chi phí – Lợi nhuận được dùng để đánh giá hiệu quả kinh tế của các giống lúa mang lại. Mô hình logit được sử dụng để phân tích về sự chấp nhận của nông dân đối với lúa lai. Kết quả nghiên cứu cho thấy việc phân loại các giống lúa của nông dân dựa vào giá trị sử dụng của chúng đồng thời tránh rủi ro. Nhìn chung các giống lúa lai Trung Quốc yêu cầu nhiều phân hóa học nhiều hơn, nhưng chất lượng gạo thấp hơn và làm cho đất canh tác thoái hóa nhanh hơn so với lúa thuần. Hơn nữa, giá lúa lai thương phẩm cũng thấp hơn so với lúa thuần (BT7). Ngược lại, lúa lai cho năng suất cao hơn và được đánh giá sinh trưởng tốt hơn trong những điều kiện thời tiết bất thuận (lụt hay hạn). Trong vụ xuân, trồng giống TH3 – 3 cho lợi nhuận cao nhất. Có nhiều yếu tố quyết định đến việc chấp nhận lúa lai của nông dân bao gồm kinh nghiệm và trình độ học vấn của chủ nông hộ, điều kiện kinh tế xã hội của nông dân, số lao động của nông hộ, thời vụ, và tất nhiên là năng suất của lúa lai. Lúa lai nhìn chung tập trung ở những hộ có kinh nghiệm sản xuất và trình độ học vấn thấp. Ngoài ra thì nông dân thích trồng lúa lai trong vụ xuân nhiều hơn. Điều này trái ngược với các nước châu Á khác là nông dân có vẻ lạc quan về lúa lai. Tuy thế, tương lai của lúa lai thế nào còn phụ thuộc vào việc theo dõi kế hoạch sản xuất của nông dân, vấn đề này vẫn chưa rõ ràng. Ba đề xuất chính sách quan trọng được đưa ra là: sự cần thiết phát triển dù lúa lai hay lúa thuần cần có cả chất lượng tốt và năng suất cao (i), chính phủ cần quan tâm hơn nữa trong việc đẩy mạnh sản xuất hạt giống (ii), liên kết trong khuyến nông cần mạnh mẽ hơn (iii).
***
Twng Wah Mew, 2007. Bệnh hại và lúa lai – Lo lắng của những nhà bệnh cây học. Trong tạp chí: Hội thảo quốc tế lúa lai và hệ sinh thái nông nghiệp. Trường ĐHNN 1 Hà Nội, ngày 22 – 24 tháng 11 năm 2007. Nhà xuất bản Nông Nghiệp, trang 13. Hai thay đổi về sản xuất lúa đã dẫn đến sự phát triển nhảy vọt về sản lượng lúa trong những năm gần đây đó là các giống lúa thấp cây và lúa lai. Lúa lai nhờ những ưu việt của ưu thế lai đã đẩy năng suất cao hơn từ 15 – 20 % so với các giống lúa cải tiến bán lùn đang được sử dụng trong sản xuất. Được phát triển bởi các nhà khoa học Trung Quốc, kỹ thuật lúa lai hiện đã được mở rộng đến các nước trồng lúa ở nhiệt đới. Riêng tại Trung Quốc lúa lai đã đóng góp vào 50 % tổng sản lượng lúa gạo của cả nước. Tại nhiều nước khác tiềm năng của lúa lai đang được chú trọng. Tuy vậy việc thay đổi hệ thống sản xuất với việc sử dụng một số giống mới có thể gây ảnh hưởng và sự thay đổi thành phần bệnh hại trên đồng ruộng. Những thay đổi này cũng có thể làm thay đổi tần xuất xuất hiện của các bệnh hại. Những vấn đề này ghi nhận trên các giống lúa bán lùn cải tiến khi được đưa vào trồng tại các vùng trồng lúa có khí hậu nhiệt đới. Khi lúa lai được trồng lần đầu tiên với diện tích lớn tại Trung Quốc, những hiện tượng trên cũng đã được ghi nhận. Như vậy đặt ra một câu hỏi có sự khác biệt trong vấn đề này hay không khi mở rộng diện tích lúa lai ở các khu vực nhiệt đới? Các nhà thực tiễn học nghĩ rằng có lẽ, không có sự khác biệt. Trong báo cáo này, mối liên quan giữa tình hình bệnh hại và lúa lai sẽ được thảo luận. Một điều quan trọng nữa, đó là sự cần thiết của phương pháp khảo nghiệm bệnh một cách chính xác trong quá trình phát triển và cải tiến giống. Phương pháp khảo sát bệnh hại được thiết kế dựa trên các nguyên lý cơ bản của bệnh cây học, đặc biệt là dựa vào mức độ bệnh để đánh giá tính kháng bệnh của cây trồng và được phát triển thành một quy trình để đánh giá chính xác tính kháng bệnh của các con lai.
***
Atsushi Yoshimura và Nguyễn Văn Hoan, 2007. Hợp tác giữa Nhật và Việt Nam trong chọn giống lúa lai. Trong tạp chí: Hội thảo quốc tế lúa lai và hệ sinh thái nông nghiệp. Trường ĐHNN 1 Hà Nội, ngày 22 – 24 tháng 11 năm 2007. Nhà xuất bản Nông Nghiệp, trang 14. Việt Nam đã phát triển hệ thống sản xuất lúa lai riêng bằng việc sử dụng dòng bất dục đực di truyền nhân mẫn cảm với nhiệt độ (TGMS). Hệ thống này bao gồm: duy trì dòng TGMS ở khu vực miền núi và sản xuất hạt lai ở vùng Đồng bằng Sông Hồng để cung cấp hạt giống cho các địa phương. Sử dụng các giống lai có thể nâng cao sản lượng và với thời gian sinh trưởng ngắn hơn nên đã dẫn đến một hệ thống canh tác mới. Trong dự án JICA, Trường ĐHNN 1 kết hợp với các chuyên gia Nhật Bản đã phát triển một giống lúa lai mới (Việt Lai 20). Tuy nhiên hệ thống sản xuất lúa lai có thể ảnh hưởng đến hệ sinh thái do việc thâm canh cao và do thay đổi cơ cấu cây trồng. ngoài ra có thể dẫn đến những thay đổi kinh tế - xã hội ở vùng nông thôn do việc đầu tư cao và lợi nhuận nhiều hơn của nông dân.
Chúng tôi đã phát triển được hệ thống sản xuất hạt lai, chọn giốnglúa lai là một phương pháp tạo giống rất hiệu quả ở miền Bắc Việt Nam đối phó với sự đa dạng cả về địa lý, khí hậu và xã hội. Phương pháp này làm giảm thời gian chọn giống và mở ra khả năng ứng dụng rộng rãi các nguồn di truyền của cây lúa.
Trong bài trình bày này, chúng tôi giới thiệu về căn cứ và hiện trạng trong của hợp tác trong tạo giống lúa lai và tóm lược những kết quả hợp tác trong dự án JSPS Platform.
***
M.A. Khaleque Mian, 2007. Lai tạo các giống lúa lai ở Băng la des. Trong tạp chí: Hội thảo quốc tế lúa lai và hệ sinh thái nông nghiệp. Trường ĐHNN 1 Hà Nội, ngày 22 – 24 tháng 11 năm 2007. Nhà xuất bản Nông Nghiệp, trang 17. Băng la des là một đất nước của lúa gạo. Ở đây lúa gạo được coi trọng còn hơn cả một loại lương thực. Thật đáng ngạc nhiên khi những hạt lúa có ảnh hưởng lớn đến nữa ăn, kinh tế, văn hóa và lối sống của người dân nơi đây. Nó cung cấp tinh bột cho toàn bộ 140 triệu người Băng la des. Bảy mươi phần trăm lượng calo la do từ gạo. Lúa gạo chiếm khoảng 90 % sản lượng ngũ cốc của đất nước. Khoảng 11,23 triệu ha trong tổng số đất canh tác được dùng để trồng lúa. Mỗi năm khoảng 29,75 triệu tấn lúa gạo được sản xuất sử dụng các giống lúa truyền thống, các loại giống HYV được phát triển bởi Viện nguyên cứu lúa Băng la des. Viện nghiên cứu nông nghiệp hạt nhân Băng la des và trường ĐH Nông Nghiệp Băng la des và các giống lúa lai nhập nội được nhập bởi công ty giống tư nhân. Băng la des là một trong những nước có dân số đông nhất trên thế giới. Do việc dân số tăng nhanh và giới hạn năng suất của các giống lúa hiện tại cho nên mỗi năm đất nước thiếu từ 2 – 3 triệu tấn lương thực. Để giải quyết vấn đề thiếu lương thực, cần phải chọn tạo các giống lúa mới có năng suất cao để thay thế cho các giống hiện đang được sử dụng. Sử dụng các giống lúa lai có thể là một hướng đi đúng nhằm tăng sản lượng lúa và bảo đảm về tự túc lương thực. Các nghiên cứu về lai tạo các giống lúa lai đã được tiến hành tại Viện nghiên cứu lúa Băng la des từ năm 1983. Nhưng những nghiên cứu chính thức về các giống lúa lai phù hợp với quốc gia này được bắt đầu từ năm 1993 trong khuông khổ hợp tác với Viện nghiên cứu lúa quốc tế (IRRI). Các kết quả nghiên cứu trong giai đoạn này không được như mong muốn do thiếu sự tập trung và nguồn nhân lực được đào tạo. Các nỗ lực mang tính hệ thống chỉ được bắt đầu từ năm 1996 với sự hỗ trợ về tài chính từ Hội đồng nghiên cứu Băng la des (BARC). Từ các kết quả trên, một dự án đã được xây dựng với nguồn giống có tiềm năng năng suất cao được cung cấp bởi IRRI và tiềm năng sản xuất hạt giống thương mại của các dòng tổ hợp. Sau đó, các hoạt động trong việc nghiên cứu giống lúa lai giữa hai trường Đại học Nông nghiệp và một số tổ chức phi chính phủ được tài trợ bởi DFID và cố vấn bởi IRRI được bắt đầu từ tháng 7 năm 2001 đến tháng 6 năm 2004. Kết quả công việc của các tổ chức này đã phát hiện được một số dòng tổ hợp (A, B và R) đối lập với sự phân ly tế bào chất và phát triển việc sử dụng các giống lai thích nghi với các điều kiện của khu vực từ các giống địa phương. Các nỗ lực nghiên cứu nhằm nhanh chóng tìm thấy các dòng duy trì và dòng phục hồi thích nghi với điều kiện địa phương từ các nguồn phân ly tế bào chất được tiến hành bởi BRRI, BAU và BSMRAU. Các công việc xác định các dòng duy trì CMS thông qua việc lai lại và kiểm tra sự phát triển của các dòng CMS tại địa phương cũng cho kết quả khả quan. Trong khi đó, các chính sách mới của chính phủ Băng la des về hạt giống, khuyến khích các công ty giống tư nhân tham gia vào thị trường giống lúa và cũng cho phép các công ty giống được nhập 33 giống lúa lai đã được kiểm định cho việc sản xuất thương mại. Lúa lai được trồng tại đất nước này bắt đầu từ năm 2001 – 2002 trong diện tích khoảng 2510 ha. Trong năm 2005 – 2006 diện tích trồng lúa lai tăng lên nhanh chóng đạt 202.429 ha do ưu thế về năng suất cao, và giống được nhập nội, diện tích trồng này chiếm 4.66 tổng diện tích trồng lúa của đất nước. Sự nỗ lực của các nhà khoa học, chính phủ trong việc thực hiện chương trình nghiên cứu, cung cấp tài chính và hỗ trợ khác cũng góp phần quan trọng vào thành công này.
***

Nguyễn Trí Hoan, 2007. Tóm tắt những tiến bộ trong nguyên cứu và phát triển lúa lai ở Việt Nam (2001 – 2005). Trong tạp chí: Hội thảo quốc tế lúa lai và hệ sinh thái nông nghiệp. Trường ĐHNN 1 Hà Nội, ngày 22 – 24 tháng 11 năm 2007. Nhà xuất bản Nông Nghiệp, trang 22. 77 dong TGMS được thu thập và nhập nội từ Trung Quốc, IRRI để nghiên cứu đánh giá trong điều kiện sinh thái của Việt Nam. Các dòng CMS phù hợp với điều kiện sinh thái của Việt Nam như là BoA, IR58025A và II32A đã được chọn thuần cho sử dụng trong chọn giống lúa lai mới cũng như sử dụng trong sản xuất hạt giống. Để làm phong phú thêm các dòng CMS, lúa hoang hoặc là các dòng CMS được lai tạo với các dòng duy trì mới được chọn tạo những dòng CMS mới được chọn như là OMS 1 – 2 từ cặp lai (lúa hoang/PMS2B), AMS71A từ cặp lai (BoA/103-8) và AMS73A từ cặp lai (II32A/D34-2)
Nhiều dòng CMS được lai tạo thông qua lai liên tục các dòng CMS với những dòng duy trì mới được chọn tạo
Mặc khác để phát triển các dòng TGMS phù hợp với Việt Nam, một bộ giống lúa thích ứng có TGST ngắn, các dòng TGMS như là: Kim 23B, IR5825B, BoB, II32B được lai với các dòng TGMS sẵn có: peai 64S, TQ125s, 7S, CN26S. Những dòng TGMS mới được chọn tạo thông qua chọn lọc phả hệ của các tổ hợp lai đơn hoặc qua các thế hệ lai lại như BC1, BC2, BC3 hoặc chọn tạo thông qua nuôi cấy hạt phấn của cây lai F1 giữa các dòng TGMS với giống thuần. Tổng số 60 dòng TGMS có độ bất dục ổn định, có TGST ngắn, tỷ lệ thò vòi nhụy cao đã được chọn tạo. Đặc biệt, nhiều dòng duy trì hiện có như Kim 23B, IR58025B, II32B, BoB…được lai chuyển thành các dòng TGMS. Trong những dòng TGMS được chọn tạo ở Việt Nam 103S và TS96 đã được khai thác trong sản xuất đại trà. Những dòng này là mẹ của các tổ hợp lúa lai 2 dòng như là: VL20, TH3-3, TH3-4 và HC1. Hơn nữa nhiều dòng phục hồi cũng như TGMS mới có gen tương hợp rộng đã được lai thử với các giống lúa Indica và Jabonica để chọn tạo giống lúa lai siêu năng suất (Indica x Jabonica). Để chọn tạo lúa lai ở Việt Nam giai đoạn 2001 – 2005, 19 dòng CMS và TGMS đã được lai với những dòng bố tốt. Trong tổng số 8130 tổ hợp lai thử đã được thực hiện trong giai đoạn 2001 – 2005, 434 cặp lai tốt đã được xác định cộng với 47 tổ hợp lai được nhập nội. Tổng số 481 tổ hợp lúa lai được đánh giá về năng suất và 134 tổ hợp lai triển vọng được chọn lọc cho thí nghiệm so sánh sơ khởi và thí nghiệm so sánh ở các vùng sinh thái. Trong 5 năm một số tổ hợp lai như HYT83, HYT92, HYT100 (lúa lai 3 dòng) và TH3-3, TH3-4, TH5-1 và HC1 (lúa lai 2 dòng) được phóng thích cho sản xuất đại trà ở Việt Nam.
Về chất lượng lúa gạo, lúa lai được chọn tạo ở Việt Nam có chất lượng ăn uống tốt hơn so với những tổ hợp lai hiện có. Về sản xuất hạt lai, quy trình sản xuất hạt lai F1 cho một tổ hợp lai được nghiên cứu bởi các cơ quan nghiên cứu khác nhau và những quy trình này đã được khai thác sử dụng bởi các công ty giống, các hợp tác xã. Năng suất hạt lai trung bình ở Việt Nam đã đạt khoảng 2,0 tấn/ha trên tổng số 1500 – 2000 ha/năm. Hiện tại Việt Nam sản xuất ra 3500 – 4000 tấn hạt lai F1/năm. Tuy nhiên diện tích lúa lai ở Việt Nam đã được trồng trên 600.000 ha/năm với năng suất trung bình từ 6,0 – 6,3 tấn/ha
***
Nguyễn Thị Trâm, 2007. Kết quả chọn giống lúa lai của Viện sinh học nông nghiệp. Trong tạp chí: Hội thảo quốc tế lúa lai và hệ sinh thái nông nghiệp. Trường ĐHNN 1 Hà Nội, ngày 22 – 24 tháng 11 năm 2007. Nhà xuất bản Nông Nghiệp, trang 24. 1) Chọn được các dòng bất dục đực di truyền nhân mẫn cảm nhiệt độ (TGMS) có ngưỡng chuyển đổi tính dục ổn định, nhạy cảm GA3, nhận phấn tốt, nhân dòng và sản xuất hạt lai có năng suất cao. Chọn được dòng bất dục đực cảm ứng quang chu kỳ ngắn (PGMS), góp phần đa dạng nguồn vật liệu để phát triển lúa lai 2 dòng. 2) Đưa ra sản xuất rộng tổ hợp lai TH3-3 có năng suất cao, chất lượng tốt, thời gian sinh trưởng ngắn phù hợp với cơ cấu 2 vụ lúa + 1 – 2 vụ rau màu, được nông dân chấp nhận. Năng suất hạt lai khá cao. Sản lượng sản xuất hạt lai trong 4 năm đạt 1522 tấn hạt F1. Một số tổ hợp lai mới đang mở rộng khá nhanh là TH3-4, TH5-1, TH7-2…3) Tham gia đào tạo cán bộ nghiên cứu chọn tạo giống mới, cán bộ thực hành sản xuất hạt giống lúa lai cho nhiều đơn vị nghiên cứu và các địa phương. Đã biên soạn giáo trình, sách chuyên khảo và công bố các công trình khoa học phục vụ công tác nghiên cứu phát triển lúa lai của Việt Nam.
***
Ha Van Nhan, 2007. Một số kết quả nghiên cứu chọn tạo giống lúa lai 2 dòng tại Viện Cây lương thực. Trong tạp chí: Hội thảo quốc tế lúa lai và hệ sinh thái nông nghiệp. Trường ĐHNN 1 Hà Nội, ngày 22 – 24 tháng 11 năm 2007. Nhà xuất bản Nông Nghiệp, trang 26. Đảm bảo an ninh cho tiêu dùng trong nước và xuất khẩu là ưu tiên hàng đầu của Việt Nam. Trong đó, ứng dụng lúa lai vào sản xuất lúa thương phẩm là một lựa chọn để giữ mức sản lượng lúa cao khi diện tích đất cho sản xuất nông nghiệp ngày càng bị thu hẹp. Nghiên cứu để tự túc giống lúa lai cho sản xuất đã được thực hiện tại nhiều cơ quan trong đó có Viện cây lương thực, cây thực phẩm. Những cố gắng tập trung vào việc chọn giống lúa lai 2 dòng. Kết quả là: nhiều dòng TGMS phù hợp với điều kiện Việt Nam đã được tạo ra bằng các phương pháp nhập nội, lai kết hợp nuôi cấy bao phấn, gây đột biến. Các nghiên cứu khác như khả năng kết hợp, khả năng giao phấn, khả năng chống chịu sâu bệnh, kỹ thuật sản xuất hạt lai và nhân dòng bất dục…cũng đã được thực hiện. Một số tổ hợp lai có triển vọng đã được phát hiện và khảo nghiệm, trong đó có một số tổ hợp đã được công nhận tạm thời hoặc chính thức.
***
Vu Hong Quang, Nguyen Van Hoan, Pham Van Cuong và Hoang Dang Dung, 2007. Hệ thống sản xuất hạt giống lúa lai hai dòng tại Việt Nam. Trong tạp chí: Hội thảo quốc tế lúa lai và hệ sinh thái nông nghiệp. Trường ĐHNN 1 Hà Nội, ngày 22 – 24 tháng 11 năm 2007. Nhà xuất bản Nông Nghiệp, trang 27. Trong nghiên cứu này chúng tôi sử dụng các dòng TGMS 1 103S, T1S-96, 135S là dòng mẹ. Trên cơ sở đặc điểm khí hậu của Việt Nam trải dài từ vĩ độ 80 đến 240 đã phân ra thành ba vùng sản xuất khác nhau ở Việt Nam
Vùng Đồng bằng trung du Bắc bộ, thời vụ sản xuất hạt lai F1 bắt đầu từ giữa tháng 6 và kết thúc giữa tháng 10.
Vùng Nam trung bộ (tỉnh Quảng Nam, Đà Nẵng…), thời vụ sản xuất hạt lai F1 bắt đầu từ tháng 2 và kết thúc và giữa tháng 5.
Vùng Đồng bằng sông Cửu Long (tỉnh Sóc Trăng…), thời vụ sản xuất hạt lai F1 bắt đầu từ tháng 10 năm trước và kết thúc vào tháng 1 năm sau.
Trong ba vùng sản xuất, vùng có điều kiện nhiệt độ, khí hậu, diện tích và trình độ kỹ thuật thì vùng Đồng bằng sông Cửu Long sẽ trở thành vùng sản xuất lớn hạt lai F1 trọng điểm của Việt Nam. Vùng hiện đang sản xuất chiếm diện tích nhiều nhất và cũng là vùng khó mở rộng diện tích sản xuất nhất là vùng Đồng bằng trung du Bắc Bộ do hiện tượng manh mún ruộng đất sản xuất của từ hộ nông dân.
Hạn chế của vùng Nam trung bộ đó là nhiều năm gặp gió mùa đông bắc lạnh tràn về trong quá trình sản xuất hạt lai F1 gây ra hiện tượng tự thụ của dòng TGMS.
***
Tống Khiêm, 2007. Chương trình lúa lai về sản xuất lúa lai ở Việt Nam. Trong tạp chí: Hội thảo quốc tế lúa lai và hệ sinh thái nông nghiệp. Trường ĐHNN 1 Hà Nội, ngày 22 – 24 tháng 11 năm 2007. Nhà xuất bản Nông Nghiệp, trang 31. Lúa lai được gieo trồng ở Việt Nam từ những năm 1991. Lúa lai đã thể hiện được ưu thế về: tiềm năng năng suất, chịu thâm canh và khả năng chống chịu sâu bệnh. Diện tích lúa lai tăng lên nhanh chóng, từ 59 ha năm 1991 lên 584.000 ha năm 2006. Kỷ lục diện tích lúa lai đạt được 600.000 ha và năm 2003. Lúa lai được phát triển mạnh ở các tỉnh miền núi, miền Trung và Tây Nguyên. Năng suất bình quân đạt 6,0 – 6,5 tấn/ha, cao hơn lúa thuần từ 15 – 20 %. Các tổ hợp đang được sử dụng gồm: Bắc ưu 903, Bác ưu 64, shan ưu quế 99, Nhị ưu 63, Nhị ưu 838, D ưu 6\527, TH3-3, VL20, HYT 83. Tổng kinh phí khuyến nông dành cho lúa lai là 15 tỷ đồng từ năm 1991 đến năm 2006.
Bên cạnh đó, việc sản xuất hạt giống lúa lai F1 cũng được tiến hành từ năm 1994. Diện tích sản xuất giống tăng từ 285 ha năm 1994 lên 1.430 ha năm 2007. Các tổ hợp chính gồm: Bác ưu 64, Bác ưu 903, Nhị ưu 838, Shan ưu 63, TH3-3, VL20. Năng suất bình quân đạt 2 tấn/ha, kỷ lục đạt 3,5 – 4,0 tấn/ha tại Nam Định. Sản lượng hạt lai giống F1 đạt 3.500 – 4.000 tấn, cung cấp 20 – 25 % tổng nhu cầu hạt giống. Kinh phí khuyến nông hỗ trợ sản xuất hạt giống khoảng 52 tỷ đồng từ năm 1994 – 2007. Các vùng chuyên sản xuất hạt giống được hình thành như: Nam Định, Thanh Hóa, Lào Cai, Quảng Nam và Đắc Lắc.
***
Pham Van Cuong, nguyen Thi Huong, Duong Thi Thu hang, Tang Thi Hanh, Takuya Araki, Toshihiro Mochizuki và Shinji Fukuda, 2007. Hiệu suất sử dụng N trong lúa lai, lúa cải tiến và lúa địa phương (Oryza sativa L.) ở các vụ trồng khác nhau. Trong tạp chí: Hội thảo quốc tế lúa lai và hệ sinh thái nông nghiệp. Trường ĐHNN 1 Hà Nội, ngày 22 – 24 tháng 11 năm 2007. Nhà xuất bản Nông Nghiệp, trang 35. Nghiên cứu này tiến hành nhằm xác định ảnh hưởng của liều lượng phân đạm ở các mức (0, 60, 90 và 120 kgN/ha) đến chất khô tích lũy và năng suất hạt của giống lúa lai (Bồi tạp Sơn thanh), lúa cải tiến (Khang dân 18) và giống lúa địa phương (Khẩu sửu) trong cả vụ xuân và vụ mùa. Khi tăng lượng đạm bón trong cả hai vụ, chất khô tích lũy và một số chỉ tiêu liên quan khác như số đẻ nhánh, chỉ số diện thích lá tăng nhiều hơn ở lúa lai so với lúa cải tiến và lúa địa phương ở giai đoạn đẻ nhánh hữu hiệu và giai đoạn trỗ. Ngược lại hàm lượng N trong lá tại giai đoạn trỗ tăng nhiều hơn ở lúa cải tiến và lúa địa phương so với ở lúa lai. Không có sự khác biệt ở mức ý nghĩa về chỉ số SPAD hay chỉ số độ dày lá ở tất cả các giống lúa trên các nền N bón. Khi tăng lượng N từ 90 lên 120 N ở cả hai vụ trồng, năng suất hạt của lúa lai F1 tăng ở mức ý nghĩa trong khi năng suất không tăng ở lúa cải tiến và lúa địa phương. Ở tất cả các giống lúa, hiệu suất sử dụng N (NUE) trong vụ xuân đều cao hơn trong vụ mùa. Trong cả hai vụ trồng NUE (kg thóc/kg N bón) ở lúa lai F1 đều cao hơn so với lúa cải tiến và lúa địa phương. Khi tăng lượng N từ 60 lên 120 N, NUE giảm ở lúa cải tiến (21,20 – 16,62 trong vụ xuân và 7,97 – 2,39 trong vụ mùa) và ở lúa địa phương (30,35 – 10,99 trong vụ xuân và 6,86 – 2,42 trong vụ mùa), trong khi đó lúa lai F1 vẫn duy trì được NUE cao (31,36 – 27,89 trong vụ xuân và 17,61 – 19,68 trong vụ mùa). NUE cao ở lúa lai ở cả hai vụ là do số bông trên khóm và số hạt trên bông. Như vậy sử dụng lúa lai sẽ góp phần vào việc phát triển nông nghiệp bền vững cũng như bảo vệ môi trường khi giảm lượng phân bón.
***
Hoang Dang Dung, Vu Van Liet, Nguyen Van Hoan và Vu Hong Quang, 2007. Phương pháp gieo thẳng trong nhân dòng TGMS. Trong tạp chí: Hội thảo quốc tế lúa lai và hệ sinh thái nông nghiệp. Trường ĐHNN 1 Hà Nội, ngày 22 – 24 tháng 11 năm 2007. Nhà xuất bản Nông Nghiệp, trang 37. Sản xuất lúa lai 2 dòng gồm 2 bước chính: 1) Nhân dòng bất dục đực chức năng duy trì nhân cảm ứng môi trương và 2) Sản xuất hạt lai. Mỗi bước có yêu cầu đặc biệt đối với điều kiện môi trường cho sự hình thành hạt. Dòng bất dục đực chức năng di truyền nhân cảm ứng nhiệt độ (TGMS) là có khả năng thích hợp rộng và làm nên sự thành công của sản xuất hạt lai F1 ở Việt Nam. Một số khó khăn trong nhân dòng TGMS ở miền bắc Việt Nam là thời gian gieo mạ và cấy thường gặp rét (đặc biệt là thời gian cấy) và thời tiết rất dễ thay đổi
Thí nghiệm khảo sát về phương pháp cấy và gieo thẳng trong nhân dòng TGMS được tiến hành tại trường Đại học Nông Nghiệp I. Thí nghiệm được bố trí theo khối hoàn toàn ngẫu nhiên (RCB) 3 lần nhắc lại gồm 4 thời vụ gieo (25/11; 2/12; 9/12; 16/12) và 3 mức hạt giống gieo (20, 30 và 40 kg/ha). Kết quả nghiên cứu cho thấy: gieo thẳng có nhiều ưu điểm hơn như ít tốn công, sâu bệnh hại ít hơn so với phương pháp cấy. Thời gian gieo hạt tốt nhất là 2 – 9/12 với lượng hạt giống gieo 30 kg/ha (năng suất sẽ đạt 2,1 tấn/ha).
***
Dinh Van Thanh, Nguyen Thi Duong, Phan Bich Thu và Lai Tien Dung, 2007. Quản lý sâu bệnh hại trên ruộng sản xuất lúa lai. Trong tạp chí: Hội thảo quốc tế lúa lai và hệ sinh thái nông nghiệp. Trường ĐHNN 1 Hà Nội, ngày 22 – 24 tháng 11 năm 2007. Nhà xuất bản Nông Nghiệp, trang 45. Lúa lai ở Việt Nam đã bắt đầu phát triển từ năm 1992 và đạt diện tích cao nhất vào năm 2003. Trong những năm gần đây, sản xuất lúa lai ở Việt Nam đạt được những thành tự đáng kể trong đó những nghiên cứu và phát triển lúa lai đã đóng góp một vai trò quan trọng trong những thành công đó. Tuy nhiên, sâu hại lúa lai vẫn là vấn đề thách thức lớn đối với sản xuất lúa gạo bền vững. Do vậy, việc quản lý một cách có hiệu quả sâu hại lúa lai đang trở nên rất cần thiết.
Trong tổ số 12 loài sâu hại chủ yếu trên lúa lai có rầy lưng trắng, bọ trĩ và sâu cuốn lá nhỏ là các đối tượng thường xuyên gây hại và phải phòng trừ, đặc biệt là rầy lưng trắng, từ vị trí thứ yếu trở thành vị trí chủ yếu, bọ trĩ thường xuất hiện và gây hại trong vụ xuân muộn. Rầy lưng trắng thường phát sinh 3 thế hệ trong một vụ, trong đó thế hệ thứ 2 có mật số cao nhất, khả năng gây hại lớn vào thời kỳ làm đòng (cuối tháng 4 vụ đông xuân và cuối tháng 8 – đầu tháng 9 vụ mùa). Bọ trĩ phát sinh 4 thế hệ trong một vụ nhưng lại có mật độ cao, khả năng gây hại lớn vào thời kỳ hồi xanh đẻ nhánh (giữa đến cuối tháng 3 trong vụ xuân muộn). Sâu cuốn lá nhỏ phát sinh gây hại 2 thế hệ trong mỗi vụ và gây hại nặng vào thời gian làm đòng.
Quản lý dịch hại: có thể phòng trừ 2 đối tượng rầy lưng trắng và sâu cuốn lá nhỏ vào thời kỳ làm đòng – chuẩn bị trỗ (giai đoạn cuối tháng 4 – đầu tháng 5 trong vụ xuân, cuối tháng 8 – đầu tháng 9 trong vụ mùa) bằng cách hỗn hợp thuốc trừ rầy lưng trắng và sâu cuốn lá nhỏ để tiết kiệm một lần phun thuốc. Với bọ trĩ nên dùng thuốc có nguồn gốc thảo mộc để trừ sâu non trong giai đoạn đầu vụ hoặc xử lý hạt giống bằng thuốc hóa học (Regent 800 WG, Actara 25 WG, Cruiser 3/3.5FS…) để không ảnh hưởng xấu đến việc thiết lập quần thể ký sinh thiên địch trên đồng ruộng. Cần tập trung bón phân vào giai đoạn đầu, tăng cường sử dụng phân chuồng, lấy bón lót làm chính. Phân đạm không nên bón muộn, bón kali vào giai đoạn đứng cái. Ngoài ra, lúa nên cấy mật độ vừa phải (40 – 45 khóm/m2) để hạn chế sâu bệnh.
***
Nguyen Mau Dung, 2007. Khái quát tình hình tiêu thụ lúa lai và ý kiến đánh giá sơ bộ từ phía người tiêu dùng. Trong tạp chí: Hội thảo quốc tế lúa lai và hệ sinh thái nông nghiệp. Trường ĐHNN 1 Hà Nội, ngày 22 – 24 tháng 11 năm 2007. Nhà xuất bản Nông Nghiệp, trang 56. Lúa lai bắt đầu được đưa vào sản xuất ở Việt Nam từ những năm đầu của thập kỷ 90. Kể từ đó, Việt Nam đã đạt được những thành tựu to lớn trong việc nghiên cứu và phát triển lúa lai. Diện tích gieo cấy lúa lai đại trà đã tăng từ 11.000 ha năm 1992 lên khoảng 600.000 ha năm 2006 (tăng 55 lần). Hiện tại, diện tích lúa lai chiếm khoảng 8 % tổng diện tích gieo cấy lúa, với năng suất bình quân khảng 6,5 tấn/ha, cao hơn lúa thuần khoảng 1 tấn/ha. Mặc dù đã đạt được những thành tự to lớn trong việc mở rộng diện tích lúa lai, nhưng sản xuất lúa lai ở Việt Nam hiện đang phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức. Đó là tình trạng phụ thuộc vào nhập khẩu giống lúa lai, những khó khăn trong việc kiểm soát chất lượng giống nhập khẩu và những vấn đề về chất lượng gạo lai…Nghiên cứu này được thực hiện nhằm khái quát tình hình tiêu thụ lúa lai và sơ bộ đánh giá chất lượng gạo lai thông qua ý kiến của người tiêu dùng cả ở vùng thành thị và nông thôn Việt Nam. Mục tiêu cụ thể của nghiên cứu này bao gồm: 1) Khái quát tình hình sản xuất lúa lai; 2) Khái quát tình hình tiêu thụ lúa lai và lúa thường; và 3) Phân tích ý kiến đánh giá của người tiêu dùng về chất lượng lúa lai. Số liệu sơ cấp phục vụ cho nghiên cứu được thu thập thông qua việc phỏng vấn người tiêu dùng lúa gạo cả ở thành thị và nông thôn. Kết quả nghiên cứu sẽ là cơ sở đề xuất định hướng phát triển lúa lai trong thời gian tới.
***
Nguyen Khac Quynh, 2007. Xác định một số giải pháp nhằm phát triển lúa lai bền vững ở Việt Nam. Trong tạp chí: Hội thảo quốc tế lúa lai và hệ sinh thái nông nghiệp. Trường ĐHNN 1 Hà Nội, ngày 22 – 24 tháng 11 năm 2007. Nhà xuất bản Nông Nghiệp, trang 60. Lúa lai đã được ứng dụng và triển khai ở Việt Nam hơn 10 năm, từ 11.000 ha năm 1992 tăng xấp xỉ 600.000 ha năm 2006. Lúa lai đã góp một phần quan trọng trong việc đảm bảo vào an ninh lương thực ở nhiều tỉnh phía Bắc và Trung Bộ. Mặc dù vậy, nghiên cứu và phát triển lúa lai ở nước ta còn bộc lộ khá nhiều bất cập, rất cần được giải quyết bằng những giải pháp đồng bộ với sụ tham gia của các bên liên đới. Trong số những yếu tố ảnh hưởng tới sự phát triển bền vững của lúa lai tại Việt Nam có 4 động lực quan trọng đã được xác định bao gồm chính phủ, năng lực nghiên cứu, năng lực sản xuất hạt giống lúa lai và quản lý chất lượng hạt giống lúa lai trong nước. Phân tích những động lực này thông qua một số kịch bản từ đó đề xuất một số giải pháp chiến lược nhằm phát triển bền vững lúa lai ở Việt Nam.
***
Tran Huu Cuong, 2007. Đóng góp về khía cạnh kinh tế của lúa lai trong công thức luân canh cây trồng ở nông hộ miền Bắc, Việt Nam. Trong tạp chí: Hội thảo quốc tế lúa lai và hệ sinh thái nông nghiệp. Trường ĐHNN 1 Hà Nội, ngày 22 – 24 tháng 11 năm 2007. Nhà xuất bản Nông Nghiệp, trang 61. Ở Việt Nam số hộ trồng lúa lai nhiều nhất ở miền Bắc, sau đó đến miền Trung. Vấn đề chính là nông dân không thể thoát khỏi nghèo đói từ việc độc canh cây lúa. Mặc dù năng suất lúa tăng lên hàng năm nhưng trở ngại lớn nhất là quy mô hộ nhỏ. Nông dân khó có thể tăng thu nhập từ việc độc canh cây lúa. Vì vậy, giải pháp tăng thu nhập bằng cách thay đổi công thức luân canh để có thu nhập từ cây trồng khác hoặc từ ngành nghề khác. Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng một số giống lúa lai có mùa vụ ngắn hơn làm tăng thời gian cho cây vụ đông từ 2,5 tới 4 tháng. Như vậy nông dân có thể tạo công ăn việc làm và có thu nhập từ cây vụ đông bằng cách thay đổi công thức luân canh. Nghiên cứu này được thực hiện để phân tích đánh giá lợi ích kinh tế và chi phí của các công thức luân canh ở một số địa phương miền Bắc, Việt Nam. Nghiên cứu cũng chỉ ra cơ hội giảm giá giống lúa lai cho người sản xuất và chất lượng lúa lai cho người tiêu dùng.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Thân mời mọi người ghé thăm Blog nhận xét. Tôi sẽ phản hồi trong thời gian sớm nhất! Các bạn vui lòng để lại Email, đễ những phản hồi gởi đến trực tiếp các bạn. Trân trọng!

BÁO NÔNG NGHIỆP VIỆT NAM - KHOA HỌC KỸ THUẬT

BÁO NÔNG NGHIỆP VIỆT NAM - KHUYẾN NÔNG

NÔNG THÔN MỚI - BÁO DÂN VIỆT