=== TÌM KIẾM THÔNG TIN LÚA GẠO ===

=== BÀI VIẾT MỚI NHẤT ===

=== BÀI ĐĂNG PHỔ BIẾN ===


Thứ Năm, 19 tháng 3, 2009

Tương lai máy GẶT ĐẬP LIÊN HỢP

LUAGAO - Năm 2008 Bộ NN-PTNT tổ chức tiếp một cuộc thi máy gặt đập liên hợp từ ngày 28/2 đến 5/3/2008 tại huyện Thanh Bình, tỉnh Đồng Tháp trên trà lúa ĐX. Trí tuệ Việt Nam một lần nữa đã thể hiện rõ nét qua cuộc thi. Máy của cơ sở Tư Sang đạt giải nhất. Tư Sang (Nguyễn Văn Lang), quê ở huyện Cao Lãnh (Đồng Tháp).

Thuở nhỏ, năm 1972 anh sang huyện Cái Bè học nghề cơ khí và lập cơ sở sửa chữa máy móc nông nghiệp tại Cầu Xéo. Kể từ năm 1987 đến nay sản phẩm của cơ sở Tư Sang chủ yếu là máy suốt lúa. Cũng cần nói thêm là hiện nay anh được sự trợ giúp đắc lực của hai người con trai nối nghiệp, một công nhân cơ khí bậc cao và một kỹ sư cơ khí là anh Nguyễn Hồng Thiện tốt nghiệp Đại học Bách khoa TP HCM từ năm 2000. Sản phẩm truyền thống vẫn là máy nhai, nhưng vừa có thêm một mặt hàng khác là băng tải tự động vận chuyển lương thực.
Anh Tư Sang đã tìm tòi nghiên cứu để làm máy gặt đập liên hợp hàng chục năm. Chiếc máy trình làng đầu tiên năm 1997 bị nông dân chê cười vì không thành công trên đồng ruộng. Vậy mà anh không hề nản chí và tiếp tục nghiên cứu hoàn thiện. Cuối cùng máy mã hiệu 4ISZ-1.8 đã đạt được giải khuyến khích tại Kiên Giang năm 2007 và giải nhất năm 2008. Đặc điểm cơ bản của máy gặt đập liên hợp Tư Sang có bề rộng cắt 1,8m, công suất 0,4 ha/giờ, di chuyển bằng bánh xích, vơ lúa kiểu guồng gạt, giá 150 triệu đồng/chiếc.
Máy GĐLH và giải pháp tương lai
Hiện nay ở ĐBSCL có khoảng 1.800 máy GĐLH và 3.500 máy gặt xếp dãy. Với năng lực này chỉ đáp ứng được 15% nhu cầu và cơ giới hóa thu hoạch lúa bằng máy GĐLH là một dịch vụ sinh lợi nhanh. Sau khi trừ chi phí, chủ máy lời từ 600-800 ngàn đồng/ha. Mỗi vụ thu hoạch được 150 ha thì sau 3 đến 4 vụ sẽ thu hồi được vốn mua máy. Một máy trung bình hiện nay có thể thu hoạch được 4 đến 5 ha, tương đương với 40-50 công nhân, nhưng ít hao hụt hơn, lúa vô bao về sân trong ngày nên chất lượng tốt, mỗi ha chủ ruộng tiết kiệm chi phí từ 500 ngàn đến một triệu đồng so với cắt gom thủ công và nhai bằng máy.
Hai năm qua máy Việt Nam đều đứng đầu bảng. Tuy nhiên nghịch lý hiện nay là máy Trung Quốc mặc dù giá đắt hơn, lội sình kém hơn, rơi vãi nhiều hơn, nhưng người dân vẫn mua máy Trung Quốc. Lý do là vì máy sản xuất hàng loạt đồng nhất, mua được phụ tùng thay thế, do đó thời gian sửa chữa trên ruộng nhanh. Máy Việt Nam khi hỏng hóc, phải chờ đi thuê gò tiện từng món phụ tùng thay thế, nhiều lúc chủ ruộng không kiên nhẫn chờ đợi được và phải đi thuê cắt thủ công. Câu hỏi được đặt ra hiện nay là Việt Nam có nên đi theo hướng sản xuất máy GĐLH có thương hiệu Việt Nam hay không?
Khi nêu lên vấn đề này chúng tôi nhớ lại vào đầu thập niên 80, có hai luồng ý kiến trái ngược nhau về lai tạo chọn lọc giống lúa mới. Một là Việt Nam chúng ta gần Philippines, nơi có sẵn Viện lúa quốc tế ở đây, chỉ cần lấy về những giống do họ lai tạo chọn lọc ra, đem về khảo sát nhanh lại tại Việt Nam và sử dụng mà không cần có chương trình lai tạo cho chính mình. Luồng ý kiến thứ hai là những nhà khoa học Việt Nam cũng cần có chương trình lai tạo chọn lọc giống lúa cho riêng mình. Thực tiễn đã chứng minh rằng quan điểm thứ hai đúng. Khác với một chiếc xe chạy trên lộ, xe sản xuất từ bất cứ nước nào cũng có thể chạy trên đường lộ Việt Nam nhưng máy móc nông nghiệp thì lại khác. Nông nghiệp rất đa dạng và tùy thuộc nhiều vào điều kiện đất đai, khí hậu, thủy văn, do đó chúng ta cần có con đường đi riêng của chúng ta. Nên chăng Nhà nước cần có một chương trình tổng thể để giúp những cá nhân, cơ sở đạt giải như giúp thiết kế các chi tiết máy hiện đại trên vi tính chuẩn xác, khích lệ các công ty cơ khí chính xác gia công các linh kiện rời hàng loạt với những vật liệu đạt chuẩn quốc tế. Miễn giảm thuế nhập khẩu các linh kiện không sản xuất được trong nước. Cho vay không lãi suất với những cơ sở cơ khí này để mở rộng sản xuất…
Về mặt mở rộng diện tích thu hoạch bằng máy GĐLH hiện nay nhiều tỉnh trong vùng đang hỗ trợ 100% lãi suất ngân hàng để nông dân mua máy. Nhiều nông dân đã hưởng ứng chương trình này. Hiệu quả của chương trình này tốt nhưng phần lớn trong số họ chỉ là nông dân. Tuy nhiên còn một cộng đồng có tiềm năng lớn nữa là các người giàu ở thành phố. Nếu cuộc vận động cơ giới hóa nông nghiệp được lan sang cư dân thành thị đang làm công nghiệp, dịch vụ, thương mại thì sẽ có một tương tác tốt hơn. Tiếp xúc với một số người giàu thành phố đã đầu tư vào kinh doanh máy gặt đập liên hợp, kinh nghiệm thành công của họ là: chọn cộng tác viên là những nông dân trung thực và luôn giữ chữ tín, đã từng vận hành thành thạo một số máy móc nông nghiệp (máy cày, máy xới, máy gặt xếp dãy…), biết sửa chữa những hư hỏng nhỏ, quan hệ rộng trong xã hội để tìm địa bàn hoạt động trên từng vùng tập trung trong mỗi vụ, biết kiểm tra bảo dưỡng. Người này phải có cái tâm chắt chiu từng hạt lúa của nông dân không để rơi rụng. Thường sau hai năm thì người giàu đầu tư có thể thu hồi vốn. Sau đó thì chia lời giữa nhà đầu tư và cộng tác viên theo thỏa thuận ban đầu.
Theo đó những điều kiện khác cũng cần có để phát triển đồng bộ trong quá trình cơ giới hóa khâu thu hoạch. Đó là liên kết những chủ ruộng liền kề, hình thành các khu đất có kích thước lớn (5-10ha) để máy móc hoạt động hiệu quả; đầu tư cơ sở hạ tầng giao thông thủy lợi để máy di chuyển đi lại dễ dàng; hỗ trợ nâng cấp và đào tạo công nhân tay nghề cao cho các cơ sở sửa chữa cơ khí cấp xã, ấp; cày ải sâu (15-20cm) hàng năm để tạo tầng đế cày vững chắc chống lún; mặt ruộng phải được san thật phẳng; áp dụng các biện pháp canh tác phù hợp như rút khô ruộng lúc 30-40 ngày sau sạ và 15 ngày trước khi thu hoạch cho cạn toàn bộ ruộng kể cả dưới lung trũng; sử dụng giống lúa cứng cây, sạ thưa, sạ hàng, bón phân đạm hợp lý, tăng cường phân kali, silic để hạn chế đổ ngã giai đoạn trỗ chín.


PGS.TS Dương Văn Chính

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Thân mời mọi người ghé thăm Blog nhận xét. Tôi sẽ phản hồi trong thời gian sớm nhất! Các bạn vui lòng để lại Email, đễ những phản hồi gởi đến trực tiếp các bạn. Trân trọng!

BÁO NÔNG NGHIỆP VIỆT NAM - KHOA HỌC KỸ THUẬT

BÁO NÔNG NGHIỆP VIỆT NAM - KHUYẾN NÔNG

NÔNG THÔN MỚI - BÁO DÂN VIỆT