Để góp phần nâng cao hơn nữa hiệu quả của việc trồng lúa nhằm tăng thu nhập cho những nông dân trồng lúa và bảo vệ môi trường, tiến tới xây dựng nền nông nghiệp bền vững. Bộ NN và PTNT đã quyết định thành lập và xây dựng chương trình 3 giảm - 3 tăng áp dụng cho canh tác lúa. Để bà con nông dân hiểu rõ về chương trình này, chúng tôi sẽ thông tin một số khái niệm, mục tiêu và nội dung chương trình. Trước hết phải hiểu 3 giảm - 3 tăng là gì? 3 giảm trong sản xuất lúa tức là phải: - Giảm lượng giống gieo sạ. - Giảm lượng thuốc trừ sâu bệnh. - Giảm lượng phân đạm. Như vậy, một câu hỏi đặt ra là tại sao phải giảm 3 yếu tố này? Khi giảm như vậy thì năng suất có giảm không? Xin thưa rằng, hiện nay theo tập quán sản xuất của bà con nông dân mình thì lượng giống gieo sạ còn quá cao, đa số đều sử dụng với lượng giống cao hơn hơn 150 kg/ha. Với lượng giống gieo sạ cao trước tiên sẽ làm tăng chi phí tiền giống, thứ hai sẽ làm tăng mật độ số cây lúa trên ruộng, việc tăng mật độ này kéo theo hậu quả là dễ phát sinh sâu bệnh trên ruộng lúa, hao tốn thêm số lần phun xịt thuốc. Đồng thời do nhiều cây lúa trên ruộng thì thêm tốn chất dinh dưỡng nhiều hơn, phải bón thêm phân. Yếu tố giảm thứ 2 là lượng thuốc bảo vệ thực vật. Thuốc BVTV đa số đều là những độc chất, việc sử dụng nhiều lượng, nhiều lần sẽ đem lại nguy cơ có hại cho con người, cho gia cầm, gia súc, cho các động vật thủy sinh và cho môi trường nước và đất. Nếu bà con áp dụng tốt kiến thức về IPM, gieo sạ đúng liều lượng hạt giống, bón phân cân đối - hợp lý, sử dụng những loại phân bón chuyên dùng cho lúa có bổ sung các nguyên tố dinh dưỡng trung vi lượng (TE) thì việc hạn chế sâu bệnh sẽ tốt hơn. Yếu tố thứ 3 cần giảm đó là cần giảm lượng phân đạm (N). Thông thường bà con nông dân rất ưa chuộng phân đạm như Urê, SA... Vì phân đạm nhanh làm cho lúa bốc (sinh trưởng nhanh, lá lúa chuyển màu xanh nhanh). Nhưng nếu bà con bón quá lượng phân đạm so với nhu cầu của cây lúa thì không những không làm tăng năng suất mà còn làm cho cây lúa mất cân đối về dinh dưỡng dễ bị sâu bệnh tấn công, dẫn đến giảm năng suất. Đồng thời lãng phí thêm tiền mua phân, lượng đạm (N) dư thừa làm ô nhiễm môi trường và là một trong những nguyên nhân gây ung thư (Do dư thừa chất NO3- --> NO2 trong nước và nông sản). Như vậy, muốn bón đúng liều lượng để hạn chế tác hại trên, bà con nên sử dụng phân NPK chuyên dùng cho lúa. Bón đạm (N) cần sử dụng dụng cụ bảng so màu lá lúa sẽ đáp ứng đúng và đủ nhu cầu N của lúa. Khi áp dụng 3 giảm thì năng suất không giảm mà có chiều hướng tăng và điều chính yếu là tăng lợi nhuận cho người nông dân trồng lúa. Còn chương trình 3 tăng thì cần hiểu như thế nào? Và phải làm gì? 3 tăng tức là: - Tăng năng suất lúa. - Tăng chất lượng lúa gạo. - Tăng hiệu quả kinh tế. Như vậy, muốn tăng năng suất cần áp dụng đúng quy trình kỹ thuật trồng lúa, áp dụng 3 giảm. Muốn tăng chất lượng lúa gạo cần sử dụng đúng giống lúa, bón phân cân đối hợp lý, chú ý các khâu kỹ thuật sau thu hoạch. Nếu áp dụng tốt chương trình 3 giảm và 3 yếu tố tăng kể trên thì việc tăng hiệu quả kinh tế cho người trồng lúa rất dễ dàng đạt được. Đây là mục tiêu chính. Ngoài ra, bà con cũng cần hiểu thêm một khuyến cáo nữa của chương trình là "1 phải và 5 giảm" - Một phải là gì? Phải sử dụng giống lúa xác nhận. - 5 giảm là gì? + Giảm lượng giống gieo sa. + Giảm lượng thuốc BVTV. + Giảm lượng phân đạm (N). + Giảm lượng nước (tiết kiệm nước). + Giảm thất thoát sau thu hoạch. Nếu làm tốt, bà con mình sẽ thu nhập cao hơn.
TS Nguyễn Đăng Nghĩa - GĐ TT chuyển giao tiến bộ KHKT (Viện KHKT miền Nam)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Thân mời mọi người ghé thăm Blog nhận xét. Tôi sẽ phản hồi trong thời gian sớm nhất! Các bạn vui lòng để lại Email, đễ những phản hồi gởi đến trực tiếp các bạn. Trân trọng!