=== TÌM KIẾM THÔNG TIN LÚA GẠO ===

=== BÀI VIẾT MỚI NHẤT ===

=== BÀI ĐĂNG PHỔ BIẾN ===


Chủ Nhật, 22 tháng 3, 2009

CHUYÊN ĐỀ RẦY NÂU

KS. Nguyễn Chí Công
(Tổng hợp)

BÀI 01: RẦY NÂU
1. Mô tả Rầy nâu
- Rầy trưởng thành cánh dài xâm nhập vào ruộng lúa và đẻ trứng trên các bẹ lá hoặc ở các gân lá. Trứng xếp hình nải chuối. Rầy non tuổi 1 có màu trắng, các tuổi sau có màu vàng nâu.(5 tuổi)
- Rầy trưởng thành có hai loại: cánh dài và cánh ngắn. Rầy trưởng thành cánh ngắn xuất hiện phổ biến trước lúc trổ bông, rầy cánh dài thường xuất hiện vào giai đoạn lúa chín và di chuyển, phát tán.
2. Vòng đời rầy nâu:
- Vòng đời của rầy nâu từ 25 – 28 ngày, trong điều kiện nhiệt độ 25 – 300C.
3. Đặc điểm gây hại
3.1. Tác hại trực tiếp: rầy cám và rầy trưởng thành cánh dài hoặc cánh ngắn đều chích hút nhựa cây lúa gây ra hiện tượng cháy rầy khi mật số cao. Rầy nâu gia tăng mật số nhanh và cao (bột phát) gây hại nặng cho cây lúa khi:
- Trồng lúa liên tục trong năm
- Dùng giống nhiễm rầy
- Gieo sạ mật độ dày
- Bón dư thừa phân đạm,
- Phun thuốc trừ sâu không đúng cách (trộn nhiều loại thuốc, phun nhiều lần…).
3.2. Tác hại gián tiếp: là môi giới truyền vi rút gây bệnh vàng lùn, lùn xoắn lá cho cây lúa.
4. Đặc điểm truyền bệnh
- Rầy nâu chích hút nhựa cây lúa bị bệnh vàng lùn, lùn xoắn lá rồi mang mầm bệnh vi rút này trong cơ thể để truyền sang cho cây lúa khoẻ mạnh khi chúng đến chích hút cây lúa đó.
- Rầy nâu mang mầm bệnh có khả năng truyền bệnh cho đến khi chết.
- Cây lúa càng non càng dễ bị nhiễm bệnh, về sau có thể không trổ bông được, năng suất giảm nghiêm trọng hoặc mất trắng. Cây lúa già bị nhiễm bệnh thì năng suất bị giảm ít hơn.
" Tóm lại, rầy nâu chỉ truyền bệnh khi có nguồn bệnh (lúa bị bệnh, lúa chét bị bệnh, cỏ bị bệnh) tồn tại trên đồng ruộng.
5. Phòng trừ rầy nâu truyền bệnh vàng lùn, lùn xoắn lá hại lúa
5.1. Các biện pháp phòng
- Không trồng lúa liên tục trong năm, bảo đảm thời gian cách ly giữa hai vụ lúa ít nhất 20 – 30 ngày, không để vụ lúa chét. Theo sự phân vùng của ngành nông nghiệp, thời vụ trong cùng một vùng phải tập trung, không được gieo sạ kéo dài;
- Vệ sinh đồng ruộng bằng cách cày,trục kỹ trước khi gieo sạ, dọn sạch cỏ bờ ruộng, mương dẫn nước
- Sử dụng giống lúa kháng rầy, lúa giống có chất lượng tốt, không lấy lúa thịt làm lúa giống; nếu điều kiện có thể sử dụng thuốc bảo vệ thực vật để xử lý hạt giống.
- Không gieo sạ quá dày trên 120 kg giống/ ha
- Gieo sạ lúa vào thời gian có thể né rầy: thường mỗi tháng có một đợt rầy vào đèn rộ kéo dài từ 5 – 7 ngày; để né rầy thì gieo sạ ngay sau đỉnh cao rầy vào đèn. Như vậy, khi lúa non sẽ tránh được rầy trưởng thành truyền bệnh.
- Để bảo vệ cây lúa non, sau khi sạ nên cho nước vào ruộng và duy trì mực nước thích hợp để hạn chế rầy nâu chích hút thân cây lúa.
- Không bón quá thừa phân đạm (urê); tăng lượng phân lân và phân kali để nâng cao sức chống chịu đối với bệnh.
- Thường xuyên thăm đồng để phát hiện sớm sự xuất hiện của rầy nâu trên cây lúa (phải vạch gốc lúa để xem).
5.2. Biện pháp trừ bằng thuốc bảo vệ thực vật để dập dịch
Khi phát hiện có rầy trên lúa thì phun xịt thuốc bảo vệ thực vật để diệt rầy.
- Giai đoạn lúa từ sau gieo sạ đến 20 ngày: nếu phát hiện rầy nâu xuất hiện thì phun thuốc diệt trừ bằng các loại thuốc phù hợp
- Giai đoạn từ sau 20 ngày đến trổ - chín: Giai đoạn này, nếu phát hiện rầy nâu với mật số từ 3 con/dảnh trở lên thì phun xịt thuốc trừ rầy. Khi phun xịt thuốc trừ rầy phải theo “4 đúng” gồm:
+ Đúng loại thuốc: theo khuyến cáo của cơ quan bảo vệ thực vật địa phương và tham khảo ở phần Phụ lục, không pha trộn nhiều lọai thuốc để phun;
+ Đúng liều lượng: pha thuốc theo đúng liều lượng và phun đủ lượng nước thuốc pha theo hướng dẫn ghi trên nhãn bao bì của mỗi loại thuốc;
+ Đúng lúc: khi phát hiện rầy cám ở tuổi 1-3, hoặc rầy trưởng thành chiếm đa số trong ruộng
+ Đúng cách: hướng vòi phun vào sát gốc lúa nơi rầy bu; không được phun trên ngọn lá lúa. Trước khi phun thuốc nếu có điều kiện nên cho nước ngập ruộng để rầy di chuyển lên cao, xịt dễ trúng rầy hơn.
6. Tóm tắt tính năng tác dụng, cách sử dụng một số loại thuốc trừ rầy nâu phổ biến
6.1. Hoạt chất Buprofezin
- Nhóm điều tiết sinh trưởng côn trùng
- Nhóm độc III (WHO)
- Thuốc có tác động tiếp xúc, vị độc, xông hơi yếu không lưu dẫn.
- Thuốc kiềm hãm tổng hợp Chitin, cản trở quá trình lột xác của rầy non, làm rầy non bị chết. Thuốc không diệt được rầy trưởng thành nhưng làm hạn chế khả năng đẻ trứng của chúng. Hiệu lực của thuốc thể hiện chậm (sau 2-3 ngày khi rầy non lột xác mới chết nhưng thời gian duy trì hiệu lực kéo dài).
- Lượng dùng:
+ Thuốc ở dạng 10 WP hoặc 10 BTN dùng 1,0 - 1,2 kg/ha pha trong 400 L nước
+ Thuốc ở dạng 25 WP dùng 0,6 kg/ha pha trong 400 L nước.
Chú ý : Phun thuốc khi rầy non mới nở, rầy tuổi còn nhỏ. Khả năng hỗn hợp: Hoạt chất nầy cũng có thể hỗn hợp với các hoạt chất khác như Fenobucarb, Isoprocarb để giúp tác động của thuốc thể hiện nhanh hơn.
6.2. Hoạt chất Fenobucarb
- Nhóm Carbamate
- Nhóm độc II (WHO)
- Thuốc có tác động tiếp xúc, vị độc, không lưu dẫn.
- Thuốc diệt rầy non và rầy trưởng thành, không diệt trứng.
- Liều lượng sử dụng: 1,5 - 2,0 L/ha, pha trong 400 L nước
6.3. Hoạt chất Isoprocarb
- Nhóm Carbamate
- Nhóm độc II (WHO)
- Thuốc có tác động tiếp xúc, vị độc có tính xông hơi nhẹ, phổ tác động tương đối hẹp.
- Lượng dùng:
+ Thuốc dạng 20 EC dùng 1,5-2,0 L/ha pha trong 400 L nước.
+ Thuốc dạng 25WP dùng 1,5-2,0 kg /ha pha trong 400 L nước.
+ Thuốc dạng 50WP dùng 0,7-1,0 kg/ha pha trong 400 L nước.
6.4. Hoạt chất Imidacloprid
- Nhóm Neonicotionoid
- Nhóm độc II (WHO)
- Thuốc có tác động tiếp xúc, vị độc và lưu dẫn. Khi phun vào cây thuốc được hấp thu nhanh chóng và có tính hướng ngọn.
- Thuốc diệt trừ nhanh rầy non và rầy trưởng thành.
- Lượng dùng:
+ Thuốc dạng 100 SL dùng 0,4- 0,5 L/ha pha trong 400 L nuớc.
+ Thuốc dạng 10 WP, 100 WP dùng 0,4- 0,5 kg/ha pha trong 400 L nước.
+ Thuốc ở dạng 700 WG dùng 40 g/ pha trong 400 L nước
6.5. Hoạt chất Thiamethoxam
- Nhóm Neonicotionoid
- Nhóm độc III (WHO)
- Thuốc có tác động tiếp xúc, vị độc và lưu dẫn. Khi phun vào cây thuốc được hấp thu nhanh vào cây và có tính hướng ngọn.
- Thuốc diệt trừ nhanh rầy non và rầy trưởng thành.
- Liều lượng sử dụng:
+ Dạng 25 WG dùng 80 g/ha pha trong 400 L nước.
6.6. Hoạt chất Etofenprox
- Nhóm Pyrethroid không este
- Nhóm độc III (WHO)
- Thuốc có tác động tiếp xúc, vị độc, tác động đến thần kinh côn trùng, gây chết nhanh.
- Liều lượng sử dụng 0,75-1,0 L /ha pha trong 400 L nước.

********
BÀI 02: CHẾ PHẨM SINH HỌC TRỊ RẦY NÂU VÀ PHỤC HỒI THIÊN ĐỊCH
LUAGAO – Các nhà khoa học của trường ĐH Nông lâm và Viện lúa ĐBSCL, với sự hỗ trợ của ĐH Paul Sabatier (Pháp) đã chiết xuất được hoạt chất rotenol (với tên thương phẩm ROT 1,5EC) từ rễ cây thuốc cá và cóc kèn, đã cho kết quả độ kết tinh của rotenol sạch tương đương với loại thuốc Rotenol của Hãng Across (Pháp) sản xuất.
So với các loại thuốc hoá học như Karate, Trebon... ROT 1,5EC có hiệu lực bằng 74- 84% sau một ngày xịt và 83- 91% sau 3 ngày xịt, nhưng chỉ còn 50% ở ngày thứ 10. Như vậy, nên xịt ROT 1,5EC ít nhất 5-7 ngày/lần.
Đối với các loài rầy, ROT 1,5EC có tác dụng mạnh hơn Bt 72,5 lần từ ngày thứ 2 đến ngày thứ 10 xịt thuốc. Đối với sâu cuốn lá, ROT 1,5EC có hiệu lực tương đương với Karate và Trebon.
Sau 10 ngày xịt ROT 1,5EC, thiên địch trên đồng ruộng phục hồi 75% so với Bt chỉ phục hồi 26,7% (trong khi các loại thuốc hoá học thì thiên địch rất khó phục hồi do tính lưu tồn cao của hoá chất). Các loại thiên địch trên lúa là bọ xít hôi, bọ xít mù xanh, nhện, kiến ba khoang, bọ rùa, ong ký sinh...
ROT 1,5EC có tác dụng mạnh nhất với rầy và sâu cuốn lá từ 1- 3 ngày sau xịt, diệt được 65- 68% sâu cuốn lá, 75% rầy, thiên địch phục hồi nhanh. ROT 1,5EC còn giúp tăng năng suất lúa và an toàn với môi trường.
(Theo: Báo Nông thôn ngày nay)

********
BÀI 03: NHỮNG VẤN ĐỀ CẦN BIẾT VỀ QUẢN LÝ RẦY NÂU HẠI LÚA

Câu 01: Mật độ rầy trên ruộng bao nhiêu thì cần phun xịt thuốc? Vì sao cần phun thuốc trừ rầy ở tuổi 2 và tuổi 3. Cách nhận dạng rầy ở độ tuổi này?
Hiện nay có một số vùng trồng lúa mùa có phẩm chất gạo ngon để xuất khẩu như các vùng xung quanh TPHCM, Long An. Các giống lúa mùa không có gien kháng rầy nên rầy nâu phát triển, thường lúa mùa sẽ chín trước hoặc ngay sau tết nên thức ăn của rầy sẽ hết và rầy sẽ đi tìm thức ăn khác. Rầy nâu có khả năng di cư rất xa hàng ngàn cây số, nên khoảng trước hay sau tết khi có gió bấc thổi theo hướng từ các tỉnh miền trên xuống các tỉnh ở ĐBSCL sẽ đưa rầy nâu theo, và nó có khả năng mang virus truyền bệnh lúa cỏ, lùn xoắn lá hay bệnh vàng lùn cho lúa đông xuân.
Vòng đời của rầy nâu rất ngắn, chỉ khoảng một tháng, giai đoạn trứng khoảng 6-7 ngày sẽ nở ra rầy non và trứng này nằm trong bẹ lúa rất khó thấy. Khi trứng nở rầy non gọi là rầy cám thời gian phát triển trong vòng 2 tuần lễ tùy theo giống lúa đó nhiễm rầy hay kháng rầy. Vòng đời rầy cám có 5 tuổi, trong đó ở tuổi 2, tuổi 3 nó ăn mạnh nhất, mật số rất cao và chích hút cây lúa rất mạnh nên bà con thường trị rầy ở tuổi nầy. Sau đó con rầy trưởng thành và trong vòng 1 tuần sau nó có thể bắt cặp và đẻ trứng trở lại.
Thời điểm phun thuốc trừ rầy tùy thuộc vào:
- Giống lúa: giống lúa có mang gien kháng rầy thì rầy phát triển thấp, giống lúa không có mang gien kháng rầy như lúa mùa hay một số giống lúa có phẩm chất gạo ngon thì rầy có khả năng phát triển rất nhanh.
- Thời gian sinh trưởng của rầy: nếu rầy non mật số còn thấp và chế độ dinh dưỡng trong cây lúa không cao lắm thì rầy có thể phát triển nhưng chậm. Trường hợp rầy tấn công vào cây lúa vào giai đoạn ngậm đòng, trổ và đang ngậm sữa có nghĩa là thời gian mà tất cả các dưỡng liệu trong cây lúa đang di chuyển từ lá sang bông, nếu rầy chích hút vào bất cứ nơi nào trên cây đều có nguồn dưỡng liệu rất tốt để phát triển. Khi cây lúa đã ngậm sữa, lá vàng, sắp chín thì rầy hết thức ăn, sẽ di chuyển đi hoặc rầy non sẽ chết.
- Thiên địch: thiên địch của rầy nâu rất nhiều, điển hình như nhện, kiến ba khoang, bọ xít mù và rất nhiều loại ong ký sinh trên rầy giai đoạn ấu trùng hay thành trùng.
Do đó để xác định mật số rầy bao nhiêu trên một thước vuông hay trên một tép để phun xịt thuốc tùy thuộc vào những đặc điểm trên .
Câu 02: Rầy nâu gây cháy rầy với mật số rất lớn không thấy truyền bệnh; trong khi ở ruộng khác mật độ rầy thấp nhưng lại truyền bệnh vàng lùn. Nguyên nhân và cách phòng ngừa rầy truyền bệnh ?
Rầy truyền bệnh khi nó có mang mầm bệnh, khi rầy không mang mầm bệnh thì nó chỉ có thể gây ra cháy rầy hay làm vàng cây lúa. Ngược lại, vùng có virus gây bệnh thì khi rầy chích hút nó sẽ mang mầm bệnh đó truyền sang nơi nó đến mặc dù mật số ít. Virus được mang trong nước bọt của rầy, khi chích vào cây lúa thì rầy sẽ nhả nước bọt làm cho nhựa cây lúa loãng đi để hút lên, đồng thời nó sẽ truyền virus vào trong cây lúa. Do đó, khi nghe dự báo cho biết một vùng nào đó bị bệnh này thì rầy nâu ở trên gió có khả năng di chuyển xuống, chúng ta cần cảnh giác.
Câu 03: Cách phòng trị rầy nâu, rầy xanh đuôi, rầy lưng trắng?
Những con này thường có kích thước tương tự nhau nhưng màu sắc và hình dạng hơi khác. Hai con giống nhau là rầy lưng trắng và rầy nâu, rầy lưng trắng có một vệt vàng lợt ở phía đầu, còn rầy nâu thì không có vệt vàng mà toàn một màu nâu, ở giữa cánh có một đốm đen. Con rầy xanh đuôi đen thì hơi dẹp hơn. Những con rầy nâu non gọi là rầy cám cũng có đốm nâu, ở tuổi 2 tuổi 3 là giai đoạn ăn mạnh và mật số rất cao, do đó nên trị vào lúc này trước khi nó gây hại cho cây lúa. Rầy nâu thường truyền các bệnh như bệnh lúa cỏ, lùn xoắn lá, còn rầy lưng trắng hay rầy xanh đuôi đen không truyền bệnh nên chúng ta không cần chú ý lắm.

PGS. TS. Nguyễn Văn Huỳnh - Khoa NN & SHUD, ĐH Cần Thơ.

5 nhận xét:

  1. em đang hoc nghành bảo vệ thực vật ở cần thơ,e rất thích bài viết của thầy.nó giúp em bổ xung vào mảng kiến thức rầy nâu non trẻ của mình. bài viết này rất hay.

    Trả lờiXóa
  2. Uh, cảm ơn Em! Bài viết này Anh cũng chỉ sưu tầm của các Thầy Cô thôi. Quan trị trang LÚA GẠO này là một Kỷ sư còn rất trẻ.
    Cảm ơn em đã ghé thăm! Thân ái chào!

    Trả lờiXóa
  3. anh ơi bài viết "CHẾ PHẨM SINH HỌC TRỊ RẦY NÂU VÀ PHỤC HỒI THIÊN ĐỊCH" là của tác giả nào và đăng trên tạp chí nào vậy anh? em muốn trích dẫn bài báo này trong luận văn của em nhưng không biết ghi tài liệu tham khảo thế nào nữa! Mong anh chỉ giúp. Chân thành cám ơn anh!

    Học viên ĐHCT

    Trả lờiXóa
  4. anh ơi bài viết "CHẾ PHẨM SINH HỌC TRỊ RẦY NÂU VÀ PHỤC HỒI THIÊN ĐỊCH" là của tác giả nào và đăng trên tạp chí nào vậy anh? em muốn trích dẫn bài báo này trong luận văn của em nhưng không biết ghi tài liệu tham khảo thế nào nữa! Mong anh chỉ giúp. Chân thành cám ơn anh!

    Trả lờiXóa
  5. Bạn viết rất hay, tuy nhiên các loại thuốc đưa ra không biết là đang quảng cáo hay thực tế bạn thấy?

    Trả lờiXóa

Thân mời mọi người ghé thăm Blog nhận xét. Tôi sẽ phản hồi trong thời gian sớm nhất! Các bạn vui lòng để lại Email, đễ những phản hồi gởi đến trực tiếp các bạn. Trân trọng!

BÁO NÔNG NGHIỆP VIỆT NAM - KHOA HỌC KỸ THUẬT

BÁO NÔNG NGHIỆP VIỆT NAM - KHUYẾN NÔNG

NÔNG THÔN MỚI - BÁO DÂN VIỆT