=== TÌM KIẾM THÔNG TIN LÚA GẠO ===

=== BÀI VIẾT MỚI NHẤT ===

=== BÀI ĐĂNG PHỔ BIẾN ===


Thứ Ba, 24 tháng 3, 2009

Đề xuất cơ cấu giống lúa vụ hè thu và mùa 2009 ở Nam Bộ

1. Đánh giá cơ cấu giống lúa giai đoạn 2007-2008
Trong những năm gần đây, cơ cấu giống lúa ở Nam bộ có sự thay đổi đáng kể hàng vụ. Theo số liệu điều tra của Trung tâm Khảo kiểm nghiệm Giống, Sản phẩm cây trồng và Phân bón Nam Bộ năm 2007, trong số các giống cực ngắn ngày, giống IR50404 đạt diện tích siêu trội trong cả 3 vụ, chiếm tỷ lệ trên 15% tổng diện tích gieo trồng, vượt xa các giống còn lại và có xu hướng tăng nhanh diện tích trong năm 2008. Việc IR50404 đạt diện tích siêu trội chủ yếu vì diện tích của giống OM1490 giảm nhanh, nhưng chưa có giống cực ngắn ngày tốt khác thay thế; điều này đặt ra vấn đề cần phải điều tiết cơ cấu giống IR50404 cho phù hợp.
Các giống lúa có diện tích sản xuất rộng, ổn định nhiều năm qua là VND95-20, OM576, Jasmine85 và OM2517. Giống OM1490 được khuyến cáo loại bỏ hoặc giảm diện tích, vì vậy từ giống có diện tích đứng đầu giai đoạn 2000-2005, diện tích sản xuất OM1490 đã giảm đáng kể, nhưng vẫn đứng thứ 10 trong vụ ĐX 06/07 và thứ 7 trong vụ hè thu 07. Jasmine85 giữ vị trí quan trọng trong sản xuất ở ĐBSCL (đứng thứ 5 về diện tích), đặc biệt trong vụ ĐX.
Qua năm 2008, đặc biệt trong vụ hè thu, diện tích giống IR50404 tăng đột biến ở hầu hết các tỉnh ĐBSCL; nhiều tỉnh diện tích IR50404 chiếm tới 50-60% tổng diện tích gieo trồng. Tuy nhiên đến vụ ĐX 2008/2009, do tác động của thị trường và sự chỉ đạo quyết liệt của Bộ NN- PTNT cùng các địa phương, diện tích IR50404 đã giảm mạnh, thay vào đó nông dân sử dụng các giống cao sản chất lượng cao và lúa thơm đặc sản như OM4900, OM5930, OM6073, Jasmine85, VD20... Ở thời điểm thu hoạch rộ trong vụ ĐX 08/09 hiện nay, lúa IR50404 cho năng suất cao, được giá (giá thu mua IR50404 chỉ thấp hơn các giống chất lượng khoảng 200 đồng/kg), vì vậy xu hướng tăng diện tích sản xuất IR50404 trong vụ hè thu tới là thực tế.
2. Đề xuất cơ cấu giống lúa vụ hè thu và mùa 2009
Hiện tại, dịch hại (rầy nâu, đạo ôn và vàng lùn, LXL) vẫn là mối hiểm họa thường xuyên, việc chuyểnđổi cơ cấu giống lúa theo hướng tăng tỷ lệ nhóm giống lúa chống chịu tốt với rầy nâu, bệnh đạo ôn và bệnh vàng lùn, lùn xoắn lá vẫn cần thiết. Ngoài ra để đảm bảo ổn định nguồn gạo hàng hóa chất lượng cao cho xuất khẩu và tiêu thụ nội địa, cần coi trọng xây dựng cơ cấu phù hợp giữa các nhóm giống: Chất lượng trung bình - thấp, chất lượng cao, và lúa nếp, đặc sản. Cơ cấu 3 nhóm giống này cần được duy trì ở tỷ lệ: 25% - 55% - 20% như giai đoạn 2006-2007 là phù hợp.
Để sử dụng tốt nhất nguồn giống lúa hiện có, cần xây dựng cơ cấu giống lúa cân bằng toàn vùng cả về khía cạnh chất lượng và chống chịu sâu bệnh hại. Cơ cấu diện tích các nhóm giống lúa theo tỷ lệ 30% giống kháng đến nhiễm nhẹ, 50% giống hơi nhiễm đến nhiễm, và không quá 20% giống nhiễm đến nhiễm nặng rầy nâu, đạo ôn và VL, LXL đã được định hướng trong thời gian qua tiếp tục được duy trì; cần quản lý chặt chẽ cơ cấu giống lúa IR50404, đảm bảo tỷ lệ IR50404 không quá 20% cơ cấu giống từng vùng thông qua mở rộng diện tích các giống lúa ngắn ngày có triển vọng như OM4900, OM6073, OM6162, OM6677, OM6561, OM5199, OM4059, HĐ1, OM6377, OM4218, MTL149... kết hợp với duy trì tỷ lệ hợp lý giống lúa OM2514 và OM1490.
Ngoài ra, trong vụ hè thu, thu đông và mùa tới cần chú ý đến mức độ chống chịu bệnh khô vằn và điều kiện khó khăn như đổ ngã, hạn đầu vụ, phèn mặn… để xây dựng cơ cấu giống phù hợp. Tuy nhiên cơ cấu giống xây dựng chỉ trở thành thực tế khi hệ thống sản xuất giống đủ mạnh để có thể điều tiết cơ bản (trên 50%) nguồn hạt giống cho sản xuất. Trên cơ sở đánh giá cơ cấu giống lúa ở ĐBSCL năm 2008, và kết quả khảo nghiệm, sản xuất thử các giống triển vọng mới, cơ cấu giống lúa cho từng tiểu vùng sinh thái ở Nam Bộ đề nghị như sau:
1. Vùng bán đảo Cà Mau: Áp dụng các giống lúa ngắn ngày, chịu phèn mặn và điều kiện khó khăn.
§ Giống chủ lực: OM2517, VND95-20, OMCS2000, OM2717, IR50404...
§ Giống bổ sung: OM4498, AS996, OM2718, OM576, OM4495, Jasmine85, ST5, OM4900, OM6561, OM6073, B-TE1...
§ Giống triển vọng: OM6162, OM5472, OM6677, OM 6561...
2. Vùng tây sông Hậu và Tứ giác Long Xuyên: Áp dụng các giống lúa thâm canh cao.
§ Giống chủ lực: OM2517, OM4498, OM2395, OMCS2000, IR50404...
§ Giống bổ sung: Jasmine85, OM2717, OM2718, OM1490, OM5930, HĐ1, OM576, OM4900, OM6073...
§ Giống triển vọng: OM6035, OM3689, OM4668, OM5936, OM4218...
3. Vùng phù sa ngọt dọc sông Tiền, sông Hậu: Ưu tiên sử dụng các giống lúa cao sản chất lượng cao.
§ Giống chủ lực: OM2517, VNĐ95-20, Jamine85, OM2514, OMCS2000, OM4900...
§ Giống bổ sung: IR50404, nếp, OM5930, OM1490, OM2717, OM2395, IR64, TNĐB100, OM6073...
§ Giống triển vọng: OM6062, OM4668, OM6162, OM6035, OM4092...
4. Vùng Đồng Tháp Mười: áp dụng giống lúa cực ngắn ngày, chịu phèn mặn trung bình – khá.
§ Giống chủ lực: IR50404, VNĐ95-20, OMCS2000, OM4498, OM3536...
§ Giống bổ sung: OM2517, OM1490, OM576, OM1490, OM2514, VD20, Jasnine85, OM6561, OM4900, OM6073...
§ Giống triển vọng: OM4088, OM6162, OM5636, OM6561, MTL499, OM5472, OMCS2009...
5. Vùng ven biển Nam bộ: áp dụng giống ngắn ngày, thâm canh trung bình – khá, chịu điều kiện khó khăn.
§ Giống chủ lực: VNĐ95-20, OM2517, IR50404, OM576, AS996...
§ Giống bổ sung: OM3536, OM4498, OM2718, ST5, OM4900, OM6073, OM6561, OM5199...
§ Giống triển vọng: OM6677, MTL499, OM4668, OM6561, OM4059, MTL547, OMCS2009...
6. Tp. Hồ Chí Minh và các tỉnh ĐNB.
§ Giống chủ lực: VNĐ95-20, OMCS2000, ML48, IR64, IR59606, OM6073...
§ Giống bổ sung: VNĐ99-3, OM5930, OM3536, TH6, OM4900, OM4498.
§ Giống triển vọng: MTL499, OM5936, OM6162, VN 21, OM4059...
7. Các giống lúa mùa.
§ Lúa mùa địa phương: Tài Nguyên, Rẽ hành, Một Bụi, Móng chim, Nanh chồn, Marshuri...
§ Lúa mùa cải tiến: OM1350, OM1352, IR42, Tép hành đột biến (THĐB)...
3. Các giống lúa triển vọng cho sản xuất ở Nam bộ
Căn cứ vào kết quả khảo nghiệm và sản xuất thử năm 2008-2009 của Trung tâm Khảo kiểm nghiệm giống, Sản phẩm cây trồng và Phân bón Nam Bộ, các viện nghiên cứu, trường đại học và trung tâm khuyến nông, trung tâm giống các tỉnh, 15 giống lúa triển vọng điển hình được tổng hợp và trình bày trong bảng dưới đây. Nhìn chung các giống lúa triển vọng đều có đặc tính nông học tốt, năng suất cao ổn định, thích hợp cả hai vụ đông xuân và hè thu, chất lượng gạo khá đến tốt, mức độ chống chịu rầy nâu, bệnh đạo ôn và VL, LXL khá tốt hoặc chấp nhận được.
Trong số các giống liệt kê trong bảng, các giống OM5930, OM4900, OM6561, OM5199, OM6073 và OM4059 đã được Bộ NN-PTNT công nhận chính thức; các giống OM4668, VN121, OM6035, OM4088... đã được Bộ NN-PTNT công nhận cho sản xuất thử ở Nam bộ; các giống còn lại là những giống triển vọng ở nhiều tỉnh.





Nguyễn Quốc Lý

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Thân mời mọi người ghé thăm Blog nhận xét. Tôi sẽ phản hồi trong thời gian sớm nhất! Các bạn vui lòng để lại Email, đễ những phản hồi gởi đến trực tiếp các bạn. Trân trọng!

BÁO NÔNG NGHIỆP VIỆT NAM - KHOA HỌC KỸ THUẬT

BÁO NÔNG NGHIỆP VIỆT NAM - KHUYẾN NÔNG

NÔNG THÔN MỚI - BÁO DÂN VIỆT