=== TÌM KIẾM THÔNG TIN LÚA GẠO ===

=== BÀI VIẾT MỚI NHẤT ===

=== BÀI ĐĂNG PHỔ BIẾN ===


Thứ Tư, 10 tháng 7, 2013

Phận yểu của một "nữ hoàng"


LUAGAO - "Cơm tám ăn với chả chim/ Chồng đẹp, vợ đẹp những nhìn mà no". Tám xoan Hải Hậu (Nam Định), thứ thực phẩm cung tiến được ví von là nữ hoàng trong các loại gạo đặc sản Việt Nam, đang lâm vào cảnh yểu mệnh.

Hồi đế quốc Nhật bắt dân nhổ lúa trồng đay, dưới mũi lê, mũi súng của quân thù nông dân Hải Hậu vẫn lén cấy tám xoan, giữ lại giống lúa quý của tiên tổ. Hồi cả nước chạy theo cơn sốt năng suất để dẹp đi những cái bụng lép suốt ngày ùng ục sôi vì bo bo, mì hạt, nông dân Hải Hậu vẫn không bỏ giống lúa đặc sản nhưng năng suất được xếp vào hạng bét nhất: tám xoan của mình.

Những năm 70, 80 của thế kỷ trước, tám xoan phủ đều 35 xã thị trấn, chiếm đến phân nửa diện tích lúa. Đông về, heo may rét đài, rét ngọt cả Hải Hậu vương vấn trong mùi thơm của chim ngói, gạo tám.

Năm 2003, khi Hiệp hội Gạo tám xoan ra đời, Nam Định đã từng mơ một giấc mơ đẹp với một vùng lúa đặc sản rộng cả ngàn héc ta. Bà Hoàng Thị Nhẫn, Chủ tịch Hiệp hội Gạo tám xoan Hải Hậu, kể ngay năm 2004 đơn vị đã thu hút 439 hội viên tham gia với khoảng 200 mẫu ruộng ở các xã Hải Đường, Hải Anh, Hải Phong, Hải Toàn, Hải An dù giống này năng suất cực thấp chỉ đạt 1 tạ/sào.

Hiệu quả không có, người dân thu hẹp diện tích cấy lúa tám xoan

Được gặt non khi chín sáp tám phần cuối bông lúa còn có những hạt dạng sữa, được ngưng phơi khi tám phần khô, được xay xát tám phần khi hạt gạo còn hơi ngà xanh chứ không bóc sạch lớp cám dưỡng chất thành trắng nõn, chính vì thế “nữ hoàng” mới có tên lúa tám.

Năm Hiệp hội của bà Nhẫn tổ chức hội thử nếm để quảng bá gạo tám xoan, thức ăn thừa ê hề trong khi cơm hết nhẵn không còn một hột. Lắm người Thủ đô hẳn hoi, chẳng ngại ngần ngồi bệt xó bếp, rồn rột vét nồi, gói ghém mang về vừa đi vừa ăn nhỏn nhẻn đầy dè xẻn như một thứ trân quý để đời.

Đằng sau cái vương miện lấp lánh trên đầu “nữ hoàng” là cả một sự cầu kỳ đến kinh ngạc. Tám vốn họ nhà cảm quang ưa ánh nắng nên gặp lúc thời tiết ngày nắng, đêm sương cho năng suất rất khá (1,2-1,3 tạ/sào) nhưng khi nấu lên, miếng cơm trong mồm cứ khô roong như nấu bằng gạo thường.

Hồi năm 2004, khi Hiệp hội Gạo tám xoan mới còn trứng nước đã xảy ra vụ tí vỡ nợ vì thu mua thóc của dân với giá đặc sản rồi bán với giá gạo… Khang Dân bởi lý do năng suất cao này. Bà con cổ phần bằng thóc cứ ùn ùn kéo đến lấy lĩnh tiền, còn hội trưởng, hội phó mặt bạc đi còn hơn cả gạo năm bão vì lỗ một khoản tiền lớn.

Tám xoan ưa phân chuồng, phân xanh, ưa nước phù sa mát rượi từ sông Ninh Cơ mỗi vụ cả 15-23 đợt bồi đắp. Từ hồi thủy điện giữ nước, sông cạn trong leo lẻo, từ hồi dân chỉ quen bón phân hóa học mà quên phân chuồng, phân xanh, chất lượng gạo tám xoan kém đi trông thấy.

Mùi thơm của tám còn phụ thuộc vào… gió trời. Chỉ những năm có gió mùa thì lúa tám xoan mới có được mùi thơm đặc trưng còn không hương của nó phai nhạt đi rất nhiều.

Đến công đoạn phơi phóng, cất trữ, xay xát sự cầu kỳ của tám lại được đẩy lên một mức mới. Xưa các cụ phơi thóc tám trong chiếu cói, khi nắng gắt hốt hả gập hai mép chiếu để giữ lại vị thơm chứ không phơi trên sân bê tông hầm hập nóng như bây giờ.

Thóc phơi xong bảo quản bằng chum, vò sành, trên lót lá xoan khô rồi đậy kín nắp để tránh hư hao hương. Thóc được giã bằng cối để tách vỏ trấu sao cho hạt gạo vẫn còn mát chứ không xát trong máy nóng hừng hực bay hết cả mùi. Hiệp hội của bà Nhẫn cũng thử nghiệm xay bằng tay được một năm phải bỏ vì cầu kỳ quá nên giờ chỉ tách vỏ bằng máy và giã cối chạy bằng mô tơ.

Gạo tám từ lúc xát ra để được cùng lắm 20 ngày là sinh mốc vì dưỡng chất trong nó tự phân hủy. Cách nấu cơm tám cũng rất đặc biệt. Nồi gang mà chuẩn chỉ nhất là nồi đất đun đến lúc cạn nước rồi vùi luôn trong rơm tám cho đến lúc chín.

Nấu cơm bằng nước máy có nhiều clo khử trùng, lại dùng nồi cơm điện có lỗ thông hơi, mùi hương đặc trưng này sẽ hư hao gần hết. Đến ngay cả lúc ăn cơm tám cũng không như cơm thường mà phải chọn kỹ đối tác theo nó. Ăn cùng món xào hay chan canh sẽ mất hết vị ngon, dẻo của gạo mà đúng điệu nhất là ăn với giò lụa, chả quế, cá kho.

Nông dân không còn chuộng lúa tám xoan

Khó tính, khó chiều, hiệu quả kinh tế kém (năng suất 1 tạ, giá bán thóc 12.000đ/kg trong khi Bắc Thơm số 7 năng suất 2 tạ, giá bán 7.000đ/kg mà chỉ ba tháng là thu hoạch) khiến cho số hội viên gạo tám thui chột dần còn 200 người.

Diện tích cấy tám xoan cũng teo tóp còn 100 mẫu, co cụm ở Hải Đường, Hải Anh những xã vùng trũng, không cấy được mạ sân mà phải cấy mạ dược dài cây như tám xoan để tránh ốc bươu vàng tàn phá.

Do vậy, Hiệp hội mỗi năm chỉ thu mua được 60 tấn thóc sản xuất được một lượng chừng 35 tấn gạo. Trong khi ngay cả dân bản địa mũi còn hiếm khi gửi thấy mùi tám xoan đích thực thì ở các thành phố lớn, người ta lại thấy tám xoan Hải Hậu bán nhiều nhan nhản, nhiều đến phát nản như đại dịch…ốc bươu vàng.


Một lần bà Chủ tịch Hiệp hội Gạo tám xoan Hải Hậu ra thăm thân ở Hà Nội qua chợ xanh Định Công thấy cái biển “Gạo tám xoan Hải Hậu gặt non, giã thủ công”, lấy địa chỉ ngay xóm 14 xã Hải Anh, lấy tên và số điện thoại ngay của đơn vị mình.

Tò mò vào, vốc gạo trên tay bà Nhẫn không phải là thứ đặc sản quê mình mà chỉ là một loại gạo thơm nào đó. Lại có nhiều bận, người ta gọi điện từ Hải Phòng, Quảng Ninh về cho bà, trách rằng gạo đặc sản mà ăn chẳng kém gạo nấu rượu, xót lắm mới trả lời: “Chúng tôi không bán ở thị trường ấy thì làm sao có gạo tám xoan xịn được?”.

Nhiều đại lý bán hàng cho Hiệp hội thời gian đầu làm ăn tử tế rồi chơi bài gạo…trộn. Giã bỏ đại lý, gạo tám dò dẫm tìm kênh phân phối lớn. Đã từng đưa gạo tám vào Metro và tập đoàn Phú Thái nhưng được một thời gian ngắn, cuộc “hôn phối” ấy sớm đi vào ngõ cụt khi nông dân không chịu thấu cảnh cứ cuối tháng siêu thị lại giảm giá mạnh để đẩy hàng bởi sản phẩm này thường không bảo quản được quá 30 ngày.

Một dạo TCty Lương thực miền Bắc cũng tổ chức thu mua gạo tám xoan cho đơn vị, chẳng hiểu sao năm 2013 chỉ được vài tạ rồi thôi. Giờ gần như gạo tám chỉ được bán ở mỗi địa chỉ duy nhất là trụ sở của Hiệp hội ở xã Hải Anh mà không phải mùa nào, lúc nào cũng mua được.

Thóc tám để từ tháng mười âm đến tháng hai sang năm dù khách xa có nài nỉ mấy Hiệp hội cũng không dám bán vì sợ…ảnh hưởng đến thương hiệu bởi lúc đó “độ nhựa” trong gạo đã giảm, mùi thơm gần như đã kiệt.

Anh Phạm Văn Đông, Hiệp hội Gạo tám xoan, bảo rằng giá thu mua thấp, năng suất chưa bằng một nửa lúa thường, thời gian canh tác lại dài gấp đôi khiến cho những người trồng tám thực sự nản.

Trong đề án phát triển nông nghiệp, Hải Hậu từng đặt mục tiêu phát triển 1.500 ha nhưng với tình trạng hiện tại, người ta không dám chắc dăm ba năm nữa, diện tích tám của địa phương này trồng có đủ để biếu một vài đoàn cán bộ về thăm?

Đặc trưng của gạo tám xoan là màu trắng, trong xanh, hơi dài, thon nhỏ, vẹo một đầu, hạt căng bóng, cơm dẻo, vị ngọt hậu thanh tao.

Theo Báo NNVN

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Thân mời mọi người ghé thăm Blog nhận xét. Tôi sẽ phản hồi trong thời gian sớm nhất! Các bạn vui lòng để lại Email, đễ những phản hồi gởi đến trực tiếp các bạn. Trân trọng!

BÁO NÔNG NGHIỆP VIỆT NAM - KHOA HỌC KỸ THUẬT

BÁO NÔNG NGHIỆP VIỆT NAM - KHUYẾN NÔNG

NÔNG THÔN MỚI - BÁO DÂN VIỆT