=== TÌM KIẾM THÔNG TIN LÚA GẠO ===

=== BÀI VIẾT MỚI NHẤT ===

=== BÀI ĐĂNG PHỔ BIẾN ===


Chủ Nhật, 8 tháng 7, 2012

Gian nan tiêu thụ lúa gạo cuối năm

LUAGAO - Ngày 5/7, tại TP HCM, Bộ Công thương cùng Hiệp hội Lương thực Việt Nam đã tổ chức hội nghị sơ kết XK gạo 6 tháng đầu năm và định hướng 6 tháng cuối năm 2012. Mối băn khoăn lớn tại Hội nghị là khả năng xuất khẩu gạo 6 tháng cuối năm và thu mua tạm trữ lúa hè thu ở ĐBSCL.

Lo Thái Lan, Myanmar…

Theo ông Phạm Văn Bảy, Phó Chủ tịch Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA), trong 6 tháng đầu năm nay, các doanh nghiệp đã đăng ký hợp đồng xuất khẩu 5,288 triệu tấn gạo. Trong đó, 3,414 triệu tấn đã được giao cho khách hàng nước ngoài. Như vậy, lượng gạo đã xuất khẩu trong 2 quý vừa qua cao hơn so với dự kiến trước đây tới 300-400 ngàn tấn, nhưng vẫn thấp hơn 500 ngàn tấn so với cùng kỳ 2011.

Đến nay, trong kho của các doanh nghiệp vẫn còn tồn 1,688 triệu tấn gạo. Lượng gạo hàng hóa trong 6 tháng cuối năm vào khoảng 3,2 triệu tấn (2,9 triệu tấn vụ hè thu và 0,3 triệu tấn vụ thu đông). Như vậy, lượng gạo hàng hóa từ nay đến cuối năm là 4,888 triệu tấn. Trên cơ sở đó, VFA đề ra định hướng về lượng gạo sẽ xuất khẩu trong 2 quý còn lại của năm nay là 3,6 triệu tấn, để đạt mức xuất khẩu cả năm trên 7 triệu tấn gạo. Còn 1,286 triệu tấn gạo sẽ được chuyển gối đầu cho xuất khẩu đầu năm 2013.


Sản lượng lúa tăng cao, XK không thuận lợi, giá lúa xuống thấp, nông dân bị thiệt hại

Hiện tại, số hợp đồng đã ký giao hàng từ 1/7 trở đi là 1,874 triệu tấn. Do đó, các doanh nghiệp chỉ cần ký hợp đồng xuất khẩu thêm khoảng 1,8 triệu tấn nữa là đạt được mục tiêu định hướng nói trên. Đây là điều không hề dễ dàng, nhất là trong bối cảnh cạnh tranh trên thị trường gạo thế giới sẽ rất gay gắt trong những tháng cuối năm nay. Ông Nguyễn Thành Biên, Thứ trưởng Bộ Công thương cho rằng tất cả các phân khúc gạo đều sẽ có sự cạnh tranh rất khốc liệt. Ở Thái Lan, lượng gạo tồn kho hiện đã lên tới trên 11 triệu tấn và nước này gần như đã hết kho chứa trong khi vụ thu hoạch mới đã gần kề. Vì thế, nếu Thái Lan bất ngờ “xả hàng” trong thời gian tới, việc tiêu thụ gạo Việt Nam sẽ càng trở nên khó khăn hơn nữa. Còn theo ông Trương Thanh Phong, Chủ tịch VFA, ngoài Thái Lan, Ấn Độ và Pakistan, Myanmar cũng đang nổi lên rất mạnh và trở thành mối lo ngại lớn nhất của các nhà xuất khẩu gạo Việt Nam, khi gạo Myanmar có sự tăng mạnh về sản lượng mà giá bán lại rất thấp.

Trước tình hình đó, ông Nguyễn Thành Biên khẳng định trước hết phải làm tốt hơn nữa và giữ thật vững thị trường Trung Quốc vì đây đang là thị trường lớn nhất của hạt gạo Việt Nam, với lượng hợp đồng chính ngạch đã ký là 1,2 triệu tấn và trên 900 ngàn tấn đã được giao. Theo đó, tình trạng cạnh tranh không lành mạnh giữa các doanh nghiệp (giảm giá bán) hay vì mối lợi trước mắt mà làm mất uy tín gạo Việt Nam (trộn gạo thường vào gạo thơm theo yêu cầu của khách hàng Trung Quốc) phải được chấm dứt ngay. Đồng thời, phải thúc đẩy mạnh việc thâm nhập vào những thị trường đầy tiềm năng như Hàn Quốc, Nhật Bản, Đài Loan… Theo ông Biên, với thị trường Hàn Quốc, vừa qua đã có tín hiệu vui là 4 doanh nghiệp Việt Nam trúng thầu xuất khẩu gần 30 ngàn tấn gạo vào nước này. Nhật Bản sau 5 năm ngưng nhập khẩu gạo Việt Nam vì dư lượng hóa chất, cũng đã quay lại mua thăm dò. Ngoài ra, trong 6 tháng cuối năm nay, Bộ Công thương cũng sẽ đẩy mạnh xúc tiến thương mại gạo Việt Nam ở các nước Trung Đông và châu Phi…

Tạm trữ 500 ngàn tấn quy gạo

Xét đề nghị của Bộ NN-PTNT và ý kiến của các bộ, ngành liên quan, cùng ý kiến của VFA, ngày 2/7/2012, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 821/QĐ-TTg về việc tạm trữ tối đa 500 ngàn tấn quy gạo vụ hè thu 2012 ở ĐBSCL. Thời gian mua tạm trữ từ 10/7 đến 10/8/2012. VFA được giao tổ chức phân giao cho các thương nhân mua lúa gạo tạm trữ. Ngân sách nhà nước sẽ hỗ trợ 100% lãi suất tiền vay mua lúa, gạo tạm trữ trong thời gian tối đa là 3 tháng (từ 10/7 đến 10/10/2012).

Theo ông Trương Thanh Phong, giá thành lúa hè thu ở nhiều địa phương lên tới trên dưới 4.500 đ/kg cho thấy chi phí sản xuất lúa đã bị đẩy lên quá cao. Với giá thành này, các doanh nghiệp đang ở trong tình trạng “tiến thoái lưỡng nan”, vì mua giá thấp sẽ không đảm bảo lợi nhuận cho nông dân, còn mua giá cao, doanh nghiệp rất dễ bị thua lỗ nặng nề do giá gạo Việt Nam hiện đã ở mức thấp nhất trên thế giới (chỉ tính những nước xuất khẩu chính).


Ông Nguyễn Thành Biên cho hay, các bộ, ngành và VFA đã cân nhắc kỹ lưỡng và thống nhất rằng chỉ nên mua tạm trữ 500 ngàn tấn quy gạo, bởi nếu mua hơn sẽ gây thêm áp lực cho ngân sách nhà nước. Bởi những lần tạm trữ trước đây với mức 1 triệu tấn quy gạo, lần nào nhà nước cũng phải bù lỗ hàng trăm tỷ đồng cho các doanh nghiệp tạm trữ không lãi suất trong thời hạn 3 tháng.

Mối băn khoăn nhất hiện nay là giá sàn tạm trữ lúa gạo vụ hè thu này sẽ là bao nhiêu? Trong Quyết định nói trên của Thủ tướng Chính phủ, không nói rõ việc này. Trong khi đó, theo văn bản số 8605/BTC-QLG do Bộ Tài chính ban hành ngày 27/6/2012, giá thành sản xuất lúa hè thu ở các tỉnh, TP vùng ĐBSCL rất khác nhau.

Tỉnh có giá thành cao nhất là Tiền Giang lên tới 4.540 đ/kg, cao hơn tới 1.016 đ/kg so với tỉnh có giá thành thấp nhất là Kiên Giang (3.524 đ/kg). Nhiều tỉnh khác cũng có giá thành trên 4.000 đ/kg, như Hậu Giang (4.367 đ/kg), Long An (4.356 đ/kg), Đồng Tháp (4.325 đ/kg), Vĩnh Long (4.137 đ/kg) và Cần Thơ (4.016 đ/kg). Như vậy, nếu lấy giá thành bình quân của cả vùng là 3.993 đ/kg để tính ra giá sàn thu mua đảm bảo cho nông dân lời tối thiểu 30% là 5.200 đ/kg, thì người trồng lúa hè thu ở những tỉnh như Tiền Giang, Hậu Giang, Long An và Đồng Tháp sẽ phải chịu thiệt khá nhiều. Bởi thế, ông Nguyễn Thành Biên cho rằng VFA cùng với các doanh nghiệp và các địa phương phải ngồi lại với nhau để giải quyết sự khác biệt khá lớn về giá thành sản xuất lúa giữa các tỉnh, TP, qua đó, tìm ra được giá sàn thu mua hợp lý nhất.

(Theo Báo NNVN)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Thân mời mọi người ghé thăm Blog nhận xét. Tôi sẽ phản hồi trong thời gian sớm nhất! Các bạn vui lòng để lại Email, đễ những phản hồi gởi đến trực tiếp các bạn. Trân trọng!

BÁO NÔNG NGHIỆP VIỆT NAM - KHOA HỌC KỸ THUẬT

BÁO NÔNG NGHIỆP VIỆT NAM - KHUYẾN NÔNG

NÔNG THÔN MỚI - BÁO DÂN VIỆT