=== TÌM KIẾM THÔNG TIN LÚA GẠO ===

=== BÀI VIẾT MỚI NHẤT ===

=== BÀI ĐĂNG PHỔ BIẾN ===


Thứ Hai, 28 tháng 12, 2009

Lúa trời Đồng Tháp Mười

LUAGAO - Trong dân gian, lúa trời cũng thường được gọi là lúa ma. Bởi lẽ muốn gặt phải đi thật khuya, nếu sớm quá lúa chưa chín và hễ mặt trời mọc lên thì lúa rụng hết. Lúa trời là một loại lúa thiên nhiên mọc trên cánh đồng mênh mông nước quanh năm. Cọng lúa bò dài ra, mọc trồi vượt lên trên mặt nước để trổ bông. Bông lúa trời có hạt thóc to hơn lúa thường và hạt rất thưa, mỗi ngày một bông chín đôi ba hạt.

Thu hoạch lúa trời

Mùa lũ bơi chiếc xuồng vào giữa đám lúa trời, rồi cầm hai thanh tre đập ngọn lúa vào be xuồng cho lúa rụng vào xuồng. Ông Huỳnh Thế Phiên, Giám đốc Vườn Quốc gia Tràm Chim, huyện Tam Nông (Đồng Tháp) cho biết, hiện nay trong Vườn còn bảo tồn 500ha quần thể lúa ma. Đây là giống lúa hiếm hoi được bảo tồn lưu trữ nguồn gen để gửi sang Viện Lúa Quốc tế (IRRI) làm thành giống lúa mới nhóm IR chịu phèn canh tác thích hợp ở vùng Đồng Tháp Mười.

Ông Lê Văn Năm, một lão nông cố cựu đang sinh sống ở vùng đệm Vườn Quốc gia Tràm Chim hồi tưởng lại: Ngày ấy, trên xuồng ba lá người ta thường căng một tấm đệm ở giữa theo chiều dọc dài 2m, cao khoảng 1,5m nhờ hai cây đứng. Cây sau chỉ cao bằng tấm đệm, cây trước cao 2,5m, các lão nông tri điền gọi là cây cần câu. Hai cần đập bằng tre dài khoảng 2,5m nằm hai bên và dọc theo chiều dài tấm đệm, một đầu cột vô cây cần câu, khoảng giữa cần đập được cột dây treo trên đầu cần câu. Khi đập lúa, người đứng trước mũi chống xuồng đi vào đám lúa, người ngồi sau cầm hai cần đập, đập lúa vào tấm đệm cho rụng hột vào xuồng. Trên xuồng có ba người, một người bơi, hai người kia cắt lúa. Mỗi bông lúa chỉ rụng một hoặc hai hạt trên xuồng, phải cất công khó nhọc lắm vì từ khuya đến sáng mới thu lúa được đầy xuồng.

Gạo lúa ma với hàm lượng dinh dưỡng cao, đậm cơm. Một thời, Cty bột Bích Chi Sa Đéc (Đồng Tháp) tìm mua gạo về chế biến bột dinh dưỡng chất lượng cao dành cho trẻ em. Sau khi thu hoạch xong, đem giã giống như lúa thường, nhưng không giã gạo quá trắng. Khi nấu, đổ gạo và nước vào nồi đất, úp một lá sen vào nồi trước khi đậy vung, đun bằng củi hoặc rơm, nếu dùng chất khác để đun sẽ làm giảm hương vị lúa trời. Một cách nấu cơm gói lá sen hiện nay được nhiều nhà hàng như ở khu du lịch Gáo Giồng, huyện Cao Lãnh (Đồng Tháp) đang thực hiện.

Gạo lúa trời dài, nhưng không cong như hạt gạo Nàng Thơm Chợ Đào (Long An). Nhiều lão nông tri điền tranh thủ chắt nước cơm nấu bằng gạo lúa trời, bỏ vào chút đường phèn hoặc ít mật ong Tràm Chim hoặc rừng U Minh, tưởng không có gì ngon và bổ dưỡng bằng. Sau khi cơm chín, khách phương xa sẽ có những chén cơm tuyệt vời với mùi đặc trưng không loại gạo nào có thể sánh được. Cơm nấu bằng gạo lúa trời màu hồng nhạt có hương vị ngọt, béo. Ngoài ra, người ta còn chế biến làm bột tinh lọc đổ bánh xèo. Bánh xèo Ðồng Tháp làm bằng bột gạo lúa trời bọc nhân thập cẩm được xem là món ẩm thực đặc thù của miền quê hương sông nước mà nhiều người ưa thích khi đặt chân lên Đồng Tháp Mười.

NAM PHƯƠNG

NGUỒN: http://nongnghiep.vn/nongnghiepvn/vi-VN/61/158/45/45/45/44301/Default.aspx

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Thân mời mọi người ghé thăm Blog nhận xét. Tôi sẽ phản hồi trong thời gian sớm nhất! Các bạn vui lòng để lại Email, đễ những phản hồi gởi đến trực tiếp các bạn. Trân trọng!

BÁO NÔNG NGHIỆP VIỆT NAM - KHOA HỌC KỸ THUẬT

BÁO NÔNG NGHIỆP VIỆT NAM - KHUYẾN NÔNG

NÔNG THÔN MỚI - BÁO DÂN VIỆT