=== TÌM KIẾM THÔNG TIN LÚA GẠO ===

=== BÀI VIẾT MỚI NHẤT ===

=== BÀI ĐĂNG PHỔ BIẾN ===


Thứ Bảy, 19 tháng 9, 2009

THÔNG TIN KHOA HỌC VỀ LÚA GẠO

LUAGAO - Tổng hợp các tin khoa học về Lúa Gạo do GS.TS Bùi Chí Bửu cung cấp, được đăng tải trên trang TINKHOAHOC của TS. Hoàng Kim

1. Lúa thơm giá trị cao từ giống gốc Basmati
Báo cáo khoa học của ĐH Cornell, Hoa Kỳ cho thấy gen điều khiển mùi thơm của giống Basmati và các giống lúa được lai từ giống Basmati có giá trị cao đã được thị trường thế giới công nhận. Lúa gạo có từ 2 nhóm loài phụ: indica và japonica. Cả hai đều được trồng và phát triển tại Trung Quốc hơn 8.000 năm. Nghiên cứu mới nhất ấn bản hàng ngày 25-8-2009 tại Proceedings of the National Academy of Sciences (PNAS), khẳng định rằng giống Basmati hạt dài, có mùi thơm được giả định là giống của Ấn Độ, có liên quan mật thiết với japonica về mặt di truyền. Basmati, trồng ở Bắc Ấn Độ, Pakistan và Iran, không phải thuộc nhóm indica như đã từng được giả định trước đây vì tính trạng hạt thon dài của nó. Các giống lúa japonica của Đông Á và Đông Nam Á bao gồm giống lúa làm món ăn sushi (gói với cá sống), có hạt gạo ngắn và dính dẽo. Gen BADH2, mất chức năng thông qua tiến trình chọn lọc tự nhiên, đột biến thành lúa thơm. Nghiên cứu cho thấy có 8 đột biến mới của BADH2 kết hợp với mùi thơm. Nghiên cứu còn cho thấy một đột biến gần đây nhất bao gồm tính trạng mùi thơm của lúa japonica (Basmati) và tính trạng mùi thơm của lúa indica (gạo Jasmine của Thái Lan). Giáo sư Susan McCouch nói rằng: người ta nghĩ rằng tất cả giống lúa của Ấn Độ là loại hình indica, nhưng đó là điều không đúng. Michael Kovach, nghiên cứu sinh Post-doct của Bà McCouch cùng với Bà đã công bố công trình khoa học này. Nghiên cứu được tài trợ bởi Plant Genome Program thuộc quỹ National Science Foundation and the European Union Project METAPHOR. Xem chi tiết http://www.cornell.edu/

2. Lúa Vàng sẽ được thương mại hoá vào năm 2011
Tạp chí Food and Beverage News (India), ra ngày 1-9-2009, đã thông tin rằng giống lúa biến đổi gen giàu vitamin A “Lúa Vàng” (Golden Rice) sẽ được thương mại hoá vào năm 2011. Lúa có hàm lượng carotenoid (beta carotene) cao làm hạt gạo có màu vàng. Chính beta carotene sẽ trở thành vitamin A khi được ăn và chuyển vào cơ thể. Các nhà thống kê của tổ chức WHO cho biết 40% trẻ em ở lứa tuổi 6 tháng đến 5 năm, và 30% trẻ em ở lứa tuổi cắp sách đến trường đều có triệu chứng thiếu vitamin A. Tương tự, 50% phụ nữ mang thai và cho con bú cũng đang có vấn đề do thiếu vitamin A. Công nghệ tạo ra lúa vàng dựa trên nguyên tắc lúa tích tụ beta carotene trên lá, không phải trong hạt gạo. Nhờ thêm vào hai gen phytoene synthase và phytoene desaturase – bằng phương pháp chuyển gen, beta carotene này sẽ chuyển vị được vào trong phôi nhũ hạt gạo. Golden Rice hi vọng sẽ được phát triển tại Philippines vào năm 2011. Thị trường của Ấn Độ, Việt Nam cũng rất có triển vọng để phát triển trong cùng thời điểm này. Giống Golden Rice đầu tiên của thế giới do Dr Ingo Potrykus và Dr Peter Beyer tạo ra vào năm 2000. Sau đó, hai nhóm nghiên cứu của Syngenta, sản xuất ra Golden Rice có hàm lượng beta carotene cao hơn gấp nhiều lần. Golden Rice-1 được phát triền vào năm 2003 và giống Golden Rice-2 vào năm 2005. Xem chi tiết http://www.fnbnews.com

3. Giống lúa kháng bệnh hại trong tương lai
Elie Dolgin đã đăng trên Nature News về giống lúa trong tương lai có tính kháng sâu bệnh hại từ kết quả nghiên cứu của Shuichi Fukuoka và ctv., thuộc Japan's National Institute of Agrobiological Sciences. Họ đã tìm thấy một gen có từ giống địa phương kháng bệnh đạo ôn. Họ lai giống ấy với giống cao sản đang canh tác. Bệnh đạo ôn đã làm mất năng suất từ 30 đến 40%; tương đương với sản lượng thóc đủ nuôi 60 triệu người / mỗi năm. Giống lúa có gen kháng bệnh thường có phẩm chất gạo không mong muốn. Điều này đã được cải tiến trong chương trình lai tạo giống mới. Fukuoka và đồng nghiệp chỉ ra rằng tính kháng bệnh đạo ôn và phẩm chất kém là do các gen bị tách biệt nhau. Xem chi tiết trên tạp chí Science vào tháng 8-2009 hoặchttp://www.nature.com/news/2009/090820/full/news.2009.841.html

4. Thông Báo Hội nghị thương mại Lúa Gạo lần thứ 14
Hội nghị thương mại lúa gạo lần thứ 14, 2009 [14th WORLD RICE COMMERCE 2009]
sẽ được diễn ra tại Bali, Indonesia, vào ngày 8-10 tháng Mười, 2009. Xem chi tiết: http://www.worldricecommerce.com

5.Gen tổng hợp tinh bột trong gạo Thái
Phẩm chất cơm là một trong những tính trạng quan trọng đối với phẩm chất lúa gạo. Nó tuỳ thuộc vào 3 nội dung: hàm lượng amylose, độ bền thể gel, nhiệt độ hoá hồ. 192 mẫu giống lúa Thái Lan được xét nghiệm PCR-SSCP do các nhà nghiên cứu của Đại Học Kasetsart, Thái Lan. Người ta phân lập các alen tại 7 loci điều khiển sinh tổng hợp tinh bột (GBSSI, SSSlIIa, SSSIIIb, SSSIVa, SSSIVb, RBEl and RBE3). Các trình tự nucleotide được đọc đối với từng SSCP patterns được quan sát và báo cáo trong tài liệu của GenBank. Các mẫu giống Oryza Thái Lan thể hiện đa dạng cao về nucleotide so với phân tích trước đây trên các loài của Oryza dựa theo multiple loci.

6. FAO đề nghị mới về an ninh lương thực
FAO vừa gửi cho các Bộ Trưởng Ngoại Giao, Vụ Hợp tác phát triển và nông nghiệp của những thành viên FAO, cơ quan Liên Hiệp Quốc, nhằm tuyên bố trong Hội nghị cấp cao thế giới của các nhà lãnh đạo quốc gia về an ninh lương thực trong tháng 11, 2009 tại Rome. Secretariat contribution to defining the objectives and possible decisions of the World Summit on Food Security, yêu cầu hoàn toàn thực hiện nội dung xoá đói đến năm 2025, và đảm bảo cung cấp đầy đủ lương thực, đảm bảo dinh dưỡng, an toàn cho nhân dân toàn thế giới, ước khoảng 9,2 tỷ người vào năm 2050.
Xem thông báo báo chí của FAO http://www.fao.org/news/story/en/item/29219/icode/

7. Giống lúa chống chịu ngập được công nhận chính thức ở Philippines
Cơ quan NSIC (Philippine Seed Industry Council) vừa chấp thuận cho phép phát triển chính thức giống lúa chống chịu ngập đầu tiên ở Philippines. Đó là giống NSIC Rc194, còn được gọi Submarino 1. Nguồn gốc của nó là giống IR64 có chứa gen Sub1 từ FR13A của Ấn Độ. Nó đã được các khoa học gia IRRI phát triển trong quan hệ hợp tác với các nhà nghiên cứu của Đại Học California-Davis. Submarino 1 đạt năng suất như IR64 (khoảng 4,5 tấn / ha) nhưng nó có thể tăng trưởng và phát triển 10 ngày trong điều kiện bị ngập hoàn toàn trong nước. Viện nghiên cứu lúa Philippines (PhilRice), nơi phân phối giống Submarino 1, thông báo rằng họ đã sản xuất 0,3 ha giống tác giả (breeder seeds) và 0,5 ha giống nguyên chủng vào mùa mưa 2009.

8. Mở được khoá về sự đa dạng của cây lúa
Một hợp tác quốc tế của các nhà nghiên cứu Châu Á, Bắc Mỹ và Châu Âu đã tạo ra khả năng hiểu biết tốt hơn đa dạng di truyền cây lúa; điều này sẽ giúp cho việc cải tiến giống lúa và sản lượng lúa tốt hơn. Xem online Proceedings of the National Academy of Sciences, họ thảo luận về nghiên cứu xem xét bộ gen của 20 loài lúa hoang dại trong chương trình lai tạo giống lúa quốc tế. Họ đang nhắm vào SNP (single nucleotide polymorphisms) hoặc những SNP làm phân biệt rõ các giống lúa. Tổng Giám Đốc Viện Lúa Quốc Tế (IRRI), Tiến Sĩ Robert Zeigler nói rằng "Nếu các nhà chọn giống biết nhiều hơn về kiến trúc di truyền cây lúa, họ sẽ có thể sử dụng chúng hiệu quả hơn rất nhiều. Trong khi chúng ta đang đối diện với thay đổi khí hậu, chúng ta sẽ dựa vào ngày càng nhiều tính chất đa dạng di truyền chưa được khai thác để phát triển giống lúa cải tiến mới". Cộng tác viên đến từ Đại Học Colorado State, ĐH Michigan State, Perlegen Sciences, Inc., ĐH McGill, Viện Max Planck Institute for Developmental Biology, Phòng thí nghiệm Friedrich Miescher Laboratory của Max Planck Society, và ĐH Cornell với sự trợ giúp của “consortium of institutions and donors” bao gồm Generation Challenge Program, và Bộ Nông Nghiệp Hoa Kỳ. Xem chi tiếthttp://beta.irri.org/news/

9. Lúa biến đổi gen trong cuộc chiến với thiếu dưỡng chất sắt
Các nhà khoa học của Swiss Federal Institute of Technology (ETH), tại Zurich, Thuỵ Sĩ đã phát triển được giống lúa có khả năng tạo ra dưỡng chất sắt cao gấp 6 lần bình thường trong hạt gạo trắng (đã đánh bóng). Giống lúa có hàm lượng sắt cao có thể chứng minh được rằng chúng ta có đầy đủ khả năng chiến thắng với sự kiện thiếu dinh dưỡng sắt, đặc biệt ở các nước đang phát triển thuộc Châu Á và Châu Phi. Ở đó lúa gạo là nguồn năng lượng chính. Hơn hai tỷ người, chiếm 30% dân số thế giới đang chịu đựng tình trạng suy dinh dưỡng do thiếu sắt; theo nguồn tin của Tổ Chức Y tế Thế giới (WHO). Hậu quả của thiếu sắt là hội chứng anemia, thiểu năng trí tuệ và hệ thống miễn dịch bị ức chế. Hạt gạo giàu dinh dưỡng sắt được thể hiện bởi 2 gen điều khiển, sản sinh ra enzyme nicotianamin synthase, làm hoạt hoá sắt và protein ferritin, chúng dự trữ sắt. Theo các nhà nghiên cứu này, hoạt động trợ lực như vậy của protein nói trên cho phép cây lúa hấp thu nhiều sắt hơn từ đất và dự trữ chúng trong hạt gạo. Trong tự nhiên, lúa gạo có nhiều sắt, nhưng chỉ bao quanh ở võ lụa hạt gạo. Tại nhiều nước thuộc vùng nhiệt đới, cận nhiệt đới, võ lụa này bị bóc tách ra trong điều kiện tồn trữ ở kho vựa. Wilhelm Gruissem, khoa học gia của ETH Zurich's Department of Biology, và đồng nghiệp đã in ấn công trình này trên tạp chí Plant Biotechnology Journal. Ông nói rằng . "Đánh giá đặc tính nông học của dòng lúa giàu sắt này không thể hiện sự đối kháng về năng suất với hàm lượng sắt cao, trừ tính trạng trổ bông sớm hơn". Xem http://www.ethlife.ethz.ch/archive_articles/090717_Eisen_Reis_MM/index_EN bài viết trên tạp chí http://dx.doi.org/10.1111/j.1467-7652.2009.00430.x

10. FAO: Giá lương thực vẫn còn cao ở các nước nghèo
Giá lương thực chủ lực của những nước đang phát triển vẫn còn cao, mặc dù giá quốc tế có chiều hướng giảm, làm cho đời sống của hàng triệu dân nghèo trở nên khó khăn hơn (FAO). Báo cáo gần đây nhất về triển vọng cây trồng và tình trạng lương thực thực phẩm của FAO cho thấy đầu ra của mễ cốc hi vọng đạt 3,4% so với 2,209 tỷ tấn trong năm 2009. Tại 27 quốc gia thuộc sub-Saharan Africa, FAO ghi nhận 80 – 90% giá mễ cốc vẫn duy trì ở mức cao hơn 25% trước khi có khủng hoảng lương thực vào 2 năm trước đây. Sudan là một ví dụ, giá cao lương được báo cáo trong tháng 6 cao gấp 3 lần so với 2 năm trước. Giá bắp của Ethiopia, Kenya và Uganda, cao gấp đôi so với hai năm trước. FAO đã kể ra số lượt thu hoạch giảm, nhập khẩu cao hơn hoặc đứng yên, xung đột dân cư, nhu cầu tăng mạnh giữa các nước láng giềng và các dòng chảy thương mại có tính khu vực, cũng như các nguyên nhân làm cho giá lương thực thực phẩm cao. Tổ chức Liên Hiệp Quốc cho rằng viễn cảnh của mễ cốc 2009 chưa phải ổn định nhất là ở Đông Phi và Tây Phi, cũng như tại Châu Á; bởi vì khởi động bất bình thường của mùa mưa năm nay. Xemhttp://www.fao.org/news/story/en/item/28797/icode/

11. Phân tích phân tử transcript trên lúa lai (superhybrid)
Sử dụng microarray toàn bộ genome oligonucleotide để nghiên cứu profiles của gen LYP9 trong cây lúa và trên giống bố mẹ của nó. Zhu Lihuang và ctv. thuộc Viện Hàn Lâm Khoa Học Nông Nghiệp Trung Quốc và Trung Tâm Nghiên cứu và Phát triển Lúa Lai Quốc Gia đã công bố cơ sở di truyền và cơ chế phân tử của một giống lúa superhybrid phổ biến. Nó được phát triển từ thập niên 1970s của Yuan Longping, cha đẻ lúa lai Trung Quốc, LYP9 là một trong các giống lúa lai đã góp phần giải quyết vấn đề lương thực Trung Quốc. Phân tích nhóm cho thấy con lai F1 có profile thể hiện giống như bố mẹ. Trong tổng số 22.266 gen thể hiện, các nhà khoa học tìm thấy 7.078 gen được phân chia trên bảy mẫu mô lúa. Theo họ, gen thể hiện được phân hoá thành DGPP (differentially-expressed genes into those between the parents) và DGHP (differentially-expressed genes into those between the hybrid and its parents). Kết quả so sánh cho thấy các gen như vậy được phân hạng theo cơ chế biến dưỡng năng lượng và cơ chế vận chuyển có nhiều DGHP hơn DGPP. Những gen có tính chất differentially-expressed như vậy, đặc biệt bao hàm cơ chế biến dưỡng carbohydrate, là những gen ứng cử viên điều khiển ưu thế lai. Xem tạp chí PNAShttp://dx.doi.org/10.1073/pnas.0902340106

GS.TS BÙI CHÍ BỬU

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Thân mời mọi người ghé thăm Blog nhận xét. Tôi sẽ phản hồi trong thời gian sớm nhất! Các bạn vui lòng để lại Email, đễ những phản hồi gởi đến trực tiếp các bạn. Trân trọng!

BÁO NÔNG NGHIỆP VIỆT NAM - KHOA HỌC KỸ THUẬT

BÁO NÔNG NGHIỆP VIỆT NAM - KHUYẾN NÔNG

NÔNG THÔN MỚI - BÁO DÂN VIỆT