LUAGAO - Sau sự kiện mua bản quyền giống lúa lai TH3-3 (10 tỷ đồng), Cty Cường Tân (Nam Định) tính chuyện làm ăn thế nào? Chúng tôi đã vào miền Trung xem GĐ Đoàn Văn Sáu tổ chức sản xuất hạt lai F1 TH3-3.
Vào miền Trung.
Vào miền Trung.
Nhà giáo Nhân dân, PGS-TS Nguyễn Thị Trâm, tác giả giống lúa lai TH3-3 nói với tôi rằng: - Bán bản quyền giống TH3-3 cho GĐ Đoàn Văn Sáu rồi, nhưng không phải bán xong là xong, Viện của mình còn ký hợp đồng hàng năm sản xuất giống bố mẹ cho Cty Cường Tân sản xuất hạt lai F1. Tiếng là bán bản quyền 10 tỷ đồng, nhưng công ty sẽ trả làm 4 lần, đến hết năm 2008 mới trả 3,3 tỷ đồng. Còn nếu sản xuất hạt F1 khó khăn, thì không biết bao giờ họ mới trả hết nợ, thành ra mình cũng phải có trách nhiệm chia sẻ với họ.
Tôi hỏi: Chị có “liều” khi bán chịu bản quyền đến 10 tỷ đồng cho một Cty tư nhân chưa mấy tiếng tăm? Chị nói: - Vào miền Trung xem họ sản xuất hạt giống lúa lai khắc biết.
Thế là giữa tháng 4/2009, tôi có chuyến cùng chị Trâm vào miền Trung, xem anh Sáu “khùng” làm ăn thế nào. Trước đó những ngày đầu tháng 4, miền Trung gió mưa kéo dài, lòng dạ chị Trâm như lửa đốt. Chị nhẩm tính còn mươi ngày nữa lúa lai TH3-3 trên đồng ruộng huyện Đại Lộc, Quảng Nam sẽ trỗ bông. Phun GA3 vào thời điểm nào được nếu cứ mưa kéo dài như thế? Anh Sáu mua bản quyền giống vào tháng 6/2008, vụ đầu tiên (mùa 2008) sản xuất giống ở miền Bắc, không mấy thuận lợi, sang vụ đông xuân thì ở miền Bắc khó có thể sản xuất được lúa lai hai dòng F1 do trời lạnh vì thế phải vào miền Trung sản xuất giống.
Chúng tôi có mặt ở huyện Đại Lộc, đúng dịp Trạm BVTV huyện đi kiểm tra các Cty sản xuất giống vụ đông xuân 2009 ở 7 HTX trong huyện, với diện tích 221 ha lúa lai, trong đó Cty Cường Tân ký hợp đồng sản xuất trên 100 ha giống TH3-3 tại HTX Ái Nghĩa. Chị Trâm nói với tôi: HTX này có kinh nghiệm sản xuất giống lúa lai, nhưng cũng nổi tiếng với vụ kiện Cty Nông Hữu (cách đây vài năm) vì không đủ tiền mua hết thóc giống của dân. Cứ nhớ đến chuyện ấy tôi lại thấy ái ngại cho Cty Cường Tân.
Khi chúng tôi ra đồng thì trời cũng nắng lên. Lúa bố và lúa mẹ trỗ đều nhau giúp cho việc gạt phấn của nông dân rất thuận lợi. Chị Trâm rất hài lòng với các kỹ thuật viên, họ đã phun GA3 đúng độ, quyết định cơ bản tới năng suất lúa vụ này. Nông dân Ái Nghĩa thì không ngại trưa nắng miền Trung như đổ lửa, họ ra đồng gạt phấn cho lúa, lòng hồ hởi, đoán chắc vụ này trúng mùa. Gặp GĐ Đoàn Văn Sáu trên đồng ruộng, anh cho hay vụ đầu đã “liều” làm lớn trên 100ha, chỉ cần sơ sẩy, sẽ thất bại thảm hại. Giờ thì GĐ Sáu đã có thể yên tâm khi đoàn kiểm tra của Sở NN-PTNT Quảng Nam thăm đồng ruộng HTX Ái Nghĩa đã trầm trồ khen lúa cho năng suất cao.
Đợi qua bốn cái “thở phào”
Ông Đoàn Văn Nhân, GĐ Trung tâm khuyến nông tỉnh Quảng Ngãi cho biết, không như Quảng Nam, vụ xuân năm 2009 chúng tôi mới chỉ dám sản xuất thử 3 ha giống lúa lai TH3-3. Ông đùa rằng họ Đoàn có 2 ông “khùng” đáng kính, đó là ông Đoàn Nguyên Đức ở Gia Lai dám mua cả máy bay, bây giờ đến ông Sáu Nam Định thì mua bản quyền một giống lúa lai nội đến 10 tỷ đồng. Ngay chuyện ông Sáu sản xuất trên 100 ha giống lúa lai F1 ở Bình Định mà sợ. Ở Quảng Nam dù sao dân đã quen làm lúa lai còn ở Bình Định chưa làm bao giờ, cũng là việc “liều”.
Thế mà trúng mùa. GĐ Sáu nói với tôi: - Chị chớ vội viết bài, trúng mùa cũng mới chỉ là cái thở phào ban đầu, còn phải lo tiền tỷ mua hết thóc giống, để không lặp lại bài học “Cty Nông Hữu”. Giờ thì GĐ Sáu đã qua 4 cái thở phào. Vụ đầu “liều” sản xuất trên 200 ha lúa lai F1 TH3-3, ở miền Trung đã thắng lợi, anh bảo rằng, chỉ có Quảng Nam mới là địa bàn của sản xuất giống lúa lai.
Những ngày lúa chuẩn bị thu hoạch, ngồi cùng chuyến xe đi công tác với GĐ Sáu, tôi thấy máy điện thoại của anh dường như không ngớt tiếng chuông. Khắp miền Trung, miền Bắc, các đại lý bán thóc giống từ to tới nhỏ, đều gọi anh Sáu đăng ký mua thóc giống. Giờ đây thị trường tiêu thụ giống lúa TH3-3 đã mở rộng. Người mua thì lắm người bán chỉ có một, cũng sướng. Nhưng trước hết phải mua hết thóc giống cho dân, vốn cần trên 10 tỷ. Anh đang mừng thầm khi Nhà nước đang có gói kích cầu cho nông dân vay vốn và mong Cty được vay tiền kịp thời mua hết thóc cho dân.
Thế nhưng anh mừng hụt. Dù đã được Ngân hàng ĐT-PT bảo lãnh, có dự án sản xuất giống, có hợp đồng tiêu thụ để gửi sang Ngân hàng Hàng Hải làm thủ tục vay, vòng vo hơn 1 tháng thì phía Ngần hàng trả lời, dự án nông nghiệp nhiều rủi ro, không cho vay 10 tỷ đồng. Cty Cường Tân bây giờ chỉ còn cách vay nóng các nguồn, huy động bạn hàng ứng trước tiền, lấy thóc sau. Bây giờ thì những gay cấn đã qua, Sáu “khùng” phở phào. Anh cho biết, so với các Cty khác thì vụ này làm giống ở miền Trung, Cty Cường Tân cũng thắng lợi. Đã mua hết thóc của dân và cũng đã cơ bản bán hết 500 tấn thóc giống. Chuẩn bị cho vụ mùa, Cty đã ký hợp đồng sản xuất lúa lai F1 lên tới trên 400 ha trong đó Nam Định 200 ha, Thanh Hóa 100 ha còn lại ở các tỉnh Hà Nội, Thái Nguyên, Yên Bái, Bắc Giang…
Anh Sáu bảo: Nếu vụ mùa này lại trúng, thì cả năm Cty Cường Tân sẽ có đến 1.500 tấn thóc giống TH3-3 cung cấp cho nông dân.
Nhìn gương mặt rạng rỡ niềm vui của anh Sáu, tôi biết PGS-TS Nguyễn Thị Trâm đã không chọn lầm người, không “liều” khi “gả cô con gái đẹp TH3-3” cho anh Sáu “khùng”.
Nghiêm Thị Hằng
Sáu khùng đã không nhầm khi mua bản quyền vì Sáu nghĩ từ xưa đến nay giống lúa phải đặt hàng ở Trung Quốc vì Việt nam chưa sản xuất được giống lúa bố mẹ. Chính vì thế cần phải có người liều như Sáu thì Việt Nam mới phát triển được công nghệ sinh học.
Trả lờiXóa