=== TÌM KIẾM THÔNG TIN LÚA GẠO ===

=== BÀI VIẾT MỚI NHẤT ===

=== BÀI ĐĂNG PHỔ BIẾN ===


Thứ Ba, 2 tháng 6, 2009

Sạ hàng giống lúa mới TH3-5

LUAGAO - Mới đây, tại Đa Tốn (Gia Lâm, Hà Nội), Trung tâm Khuyến nông Hà Nội đã tổ chức hội nghị đầu bờ gieo thẳng lúa theo hàng bằng giống lúa lai mới TH3-5.

Gieo thẳng theo hàng bằng công cụ kéo tay, Hà Nội đã làm qua 5 vụ sản xuất nên có thể khẳng định thực hiện được cả 2 vụ xuân và mùa. Vụ mùa 2009 này, Hà Nội sẽ phấn đấu mở rộng diện tích lúa gieo thẳng lên 5.000 ha (riêng huyện Phúc Thọ đã xây dựng kế hoạch 1.000 ha). Qua thực tế cho thấy bên cạnh thành công là chủ đạo nhưng vẫn có một số nơi gieo thẳng gặp khó khăn, thậm chí có nông dân còn nhổ lúa gieo thẳng để… cấy lại cho yên tâm. Có thể nói gieo thẳng bằng công cụ là cái mới, nó ngược hẳn với tập quán nhổ mạ, cấy của người nông dân nên để đánh đổ được “thành trì” định kiến là rất khó khăn.

Kinh nghiệm đúc rút từ những thành công của Hà Nội cho thấy để gieo thẳng đạt được kết quả tốt, rất cần lưu ý: Về chỉ đạo, các quận, huyện cần xây dựng kế hoạch gieo thẳng lúa theo hàng trên những chân đất có đủ điều kiện, chủ động tưới tiêu, có cơ chế hỗ trợ về giống, thuốc trừ cỏ, công chủ đạo… Giao chỉ tiêu kế hoạch cho từng xã và thành lập ban chỉ đạo. Những HTX chưa làm quen với gieo thẳng, không làm ồ ạt mà cần xây dựng mô hình điểm có sức thuyết phục cao để nhân rộng trong những vụ sau. Cần thành lập các tổ chuyên làm dịch vụ từ khâu ngâm ủ, làm đất, gieo, phun thuốc trừ cỏ… nhằm từng bước chuyên môn hoá.

Về kỹ thuật, phải tạo được lớp bùn mới trước khi gieo để mống chìm trong bùn hạn chế chim, chuột phá đồng thời đề phòng nắng, mưa to ảnh hưởng đến sự phát triển của hạt giống. Nên gieo hàng lỗ thưa, nếu ngâm ủ đúng kỹ thuật trung bình hết 0,7-1kg/sào, gieo xong giữ nước ở rãnh, đắp kín bờ để nếu gặp mưa nước dâng lên hạt giống không bị trôi… Thời kỳ đầu, lúa gieo thẳng có đặc điểm phát triển chậm hơn hẳn lúa cấy nên trong vòng 10 ngày ra ruộng không nhìn thấy lúa, bà con rất sốt ruột, sợ hỏng ăn nên dễ có tâm lý đòi cấy lại nhưng cần kiên quyết ngăn chặn, bởi lúa sau khi đẻ nhánh sẽ phát triển nhanh hơn lúa cấy.

Đại đa số dân Đa Tốn gieo sạ bằng công cụ làm tốt, tuy vẫn có một số diện tích không đảm bảo yêu cầu kỹ thuật nhưng khi thực hiện mô hình gieo thẳng, tính toán chi li vẫn tiết kiệm chi phí từ 100.000-150.000đ/sào lại giải phóng được sức lao động, nhất là phụ nữ, trẻ em, bà con rất thích. Giống để gieo thẳng tại Đa Tốn là TH3-3 và TH3-5 do Viện Sinh học Nông nghiệp (Trường ĐHNN Hà Nội lai tạo). TH3-5 là giống lúa lai cùng mẹ, khác bố với TH3-3, có thời gian sinh trưởng ngắn (vụ mùa 105-110 ngày, vụ xuân 120-125 ngày), kiểu cây bán lùn, thân cứng, năng suất, chất lượng gạo khá, kháng đạo ôn, nhiễm nhẹ bạc lá, khô vằn, thích hợp với xuân muộn, mùa sớm.

Theo Chủ nhiệm HTX Đa Tốn, ông Lê Văn Tán, dù là vụ đầu tiên áp dụng gieo sạ theo hàng bằng công cụ nhưng địa phương vẫn mạnh dạn gieo 156 ha, bằng 50% diện tích cấy lúa toàn xã. Do mới tiếp xúc với tiến bộ kỹ thuật này, khi ứng dụng còn những lúng túng như ngâm ủ giống chưa đảm bảo kỹ thuật nên khi gieo bị mất khoảng hoặc bị thưa, dầy không theo ý muốn, phải tỉa dặm. Khi đưa dẫn nước giữ ẩm lại quá đầy thành ra có hiện tượng mầm mạ bị chết không mọc được, gây mất khoảng. Một số hộ không chăm sóc kịp thời, cộng với khi gieo bị mất khoảng và ốc bươu vàng phá, trong khi đó mạ gieo lại thừa khiến một số hộ đã phá đi cấy lại
DƯƠNG ĐÌNH TƯỜNG

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Thân mời mọi người ghé thăm Blog nhận xét. Tôi sẽ phản hồi trong thời gian sớm nhất! Các bạn vui lòng để lại Email, đễ những phản hồi gởi đến trực tiếp các bạn. Trân trọng!

BÁO NÔNG NGHIỆP VIỆT NAM - KHOA HỌC KỸ THUẬT

BÁO NÔNG NGHIỆP VIỆT NAM - KHUYẾN NÔNG

NÔNG THÔN MỚI - BÁO DÂN VIỆT