=== TÌM KIẾM THÔNG TIN LÚA GẠO ===

=== BÀI VIẾT MỚI NHẤT ===

=== BÀI ĐĂNG PHỔ BIẾN ===


Chủ Nhật, 5 tháng 4, 2009

GIỚI THIỆU ĐẶC TÍNH MỘT SỐ GIỐNG LÚA CHỦ LỰC VÀ TRIỂN VỌNG HIỆN NAY Ở ĐỒNG BẰNG SÔNG CỬU LONG

KS. Nguyễn Chí Công
(Theo Cục Trồng Trọt)
GIỐNG LÚA VNĐ 95-20
1. Nguồn gốc
Tác giả và cơ quan tác giả: Đỗ Khắc Thịnh, Hùng Phi Oanh, Nguyễn Thị Cúc, Đào Minh Sô, Nguyễn Ngọc Oanh – Viện Khoa học Kỹ thuật Nông nghiệp miền Nam.
Phương pháp chọn tạo: Đột biến phóng xạ gamma Co60, trên giống IR64 và chọn lọc phả hệ.
Được công nhận giống quốc gia năm 1999 theo Quyết định số 3493 QĐ/BNN-KHCN ngày 9/9/1999. Hiện nay là một trong những giống có diện tích lớn nhất trong sản xuất.
2. Những đặc tính chủ yếu
Thời gian sinh trưởng vụ Đông Xuân 90 – 95 ngày, vụ Hè Thu 95 – 102 ngày.
Chiều cao cây 85 - 90 cm, cứng cây, đẻ nhánh trung bình, lá đòng thẳng, khối lượng 1.000 hạt 25 – 27g. Hạt gạo dài 7,2 – 7,4 mm, không bạc bụng (hạt gạo trong, sáng, đẹp, thích hợp xuất khẩu); độ hóa kiềm cấp 5 – 6, amyloza 20 – 22 %, cơm mềm, dẻo. Năng suất trung bình vụ Đông Xuân 6 – 8 tấn/ha, Hè Thu 5 – 7 tấn/ha.
Kháng rầy nâu, ít nhiễm bệnh đạo ôn, ít nhiễm vàng lá, đốm, chịu phèn, chịu gió khá tốt.
3. Hướng dẫn sử dụng và yêu cầu kỹ thuật
Thời vụ thích hợp: Hè Thu, Mùa, Đông Xuân trên nhiều chân đất khác nhau.
Các lưu ý trong sản xuất: Là một trong 5 giống chủ lực cho xuất khẩu ở các tỉnh phía Nam, giống có tính ổn định cao, trong điều kiện thâm canh có thể đạt 9 tấn/ ha/ vụ.

GIỐNG LÚA OM 576
1. Nguồn gốc
Tác giả và cơ quan tác giả: Viện lúa ĐBSCL.
Giống OM 576 được chọn lọc từ tổ hợp lai Hungary/ IR 48 từ năm 1982 và được công nhận chính thức từ năm 1990.
2. Những đặc điểm chủ yếu
Thời gian sinh trưởng cực ngắn, khoảng 90 ngày trong điều kiện sạ thẳng, 95 ngày khi gieo mạ cấy; chiều cao cây trung bình 90 – 95 cm. Năng suất trung bình đạt 4,5 – 5,5 tấn/ ha; thâm canh cao có thể đạt 7,0 – 7,5 tấn/ ha. OM 576 có hạt gạo hơi ngắn, chiều dài hạt gạo trung bình 6,5 mm; khối lượng 1000 hạt 24 gram; tỉ lệ bạc bụng thấp, cơm mềm, ngon.
Kháng rầy nâu trung bình (3-5), hơi nhiễm bệnh đạo ôn, nhiễm nhẹ bệnh khô vằn; giống rất dai hạt.
3. Hướng sử dụng và yêu cầu kỹ thuật
Giống OM 576 thích nghi rộng, hiện là 10 giống lúa chủ lực có diện tích sản xuất rất rộng ở ĐBSCL. Trong thực tế, OM 576 nhiễm nhẹ rầu nâu và bệnh vàng lùn, lùn xoắn lá. OM 576 có thể trồng cả trong 2 vụ Đông Xuân và Hè Thu, phù hợp vùng sản xuất lúa gạo chất lượng trung bình sử dụng giống ngắn ngày.
+Lưu ý: Cần phục tráng, làm thuần giống để phát huy tốt tiềm năng của giống.

GIỐNG LÚA OMCS 2000
1. Nguồn gốc
Tác giả và cơ quan tác giả: Nguyễn Văn Loãn, Lê Thị Dự, Huỳnh Thị Phương Loan, Trần Minh Tuấn, Phạm Thị Mùi, Lưu Văn Quỳnh, Nguyễn Hữu Hà Linh, Bùi Bá Bổng, Bùi Chí Bửu – Viện lúa ĐBSCL.
Nguồn gốc: Được tạo ra từ tổ hợp lai OM1723/ MRC19399.
Phương pháp chọn tạo: Lai cổ truyền năm 1996, chọn lọc theo phương pháp phả hệ và đưa vào khảo nghiệm từ năm 1999.
Được khu vực hóa theo Quyết định số 5218 BNN-KHCN/QĐ ngày 16/11/2000 và công nhận chính thức là giống quốc gia năm 2002 theo Quyết định số 5310 QĐ/BNN-KHCN ngày 29/11/2002.
2. Những đặc tính chủ yếu
Thời gian sinh trưởng 90 - 95 ngày trong điều kiện sạ thẳng.
Chiều cao cây 95 – 110 cm, thân rạ cứng trung bình, đẻ nhánh khá. Có phẩm chất gạo tốt, tương đương với OM 997-6 và cao hơn OM 1490; hạt gạo dài 7,3 mm; tỉ lệ dài/rộng 3,3; ít bạc bụng; tỉ lệ amyloza 25,6%; cơm mềm và đậm. Năng suất vụ Đông Xuân 6 – 8 tấn/ ha và Hè Thu 4,0 – 5,5 tấn/ ha tương đương và cao hơn giống lúa OM 997-6 và OM 1490.
Trong điều kiện thử nghiệm nhân tạo, OMCS 2000 nhiễm bệnh đạo ôn (cấp 7) và hơi nhiễm rầy nâu (cấp 5), chịu phèn khá.
3. Hướng dẫn sử dụng và yêu cầu kỹ thuật
Thích hợp ở vụ Đông Xuân và Hè Thu trên đất phù sa và đất phèn nhẹ đền trung bình.
Các lưu ý trong sản xuất: chịu thâm canh trung bình, không bón lượng đạm qúa cao, không cân đối dễ dẫn đến đổ ngã.

GIỐNG LÚA IR64 (OM89)
1. Nguồn gốc
Tác giả và cơ quan tác giả: Viện lúa ĐBSCL.
Nguồn gốc và phương pháp: Giống lúa IR 64 được tuyển chọn từ giống nhập nội IR18348 – 36-3-3 của Viện lúa quốc tế IRRI.
IR 64 được tuyển chọn từ năm 1983 và được công nhận chính thức năm 1989. Hiện là giống lúa chủ lực trong sản xuất ở Nam bộ, Tây Nguyên.
2. Những đặc tính chủ yếu
Thời gian sinh trưởng 105 – 115 ngày trong điều kiện gieo mạ cấy và 95 – 100 ngày khi sạ thẳng.
Chiều cao cây trung bình 95 – 105 cm. Dạng hạt thon dài (7,5 mm), khối lượng 1000 hạt 26 – 27g. Tỉ lệ gạo trên 70%, bạc bụng thấp (cấp 1), gạo trắng, cơm dẻo, ngon, đạt tiêu chuẩn xuất khẩu, được nhiều nước ưu chuộng. Năng suất bình quân, vụ Hè Thu 4 – 5 tấn/ ha, vụ Đông Xuân 6,0 – 6,5 tấn/ha, nếu thâm canh tốt có thể đạt 7,0 – 8,0 tấn/ha.
Kháng rầy nâu (cấp 3-5), rất kháng đạo ôn (cấp 1), hơi kháng bạc lá (cấp 3-5), nhiễm khô vằn (cấp 5-7).
3. Hướng dẫn sử dụng và yêu cầu kỹ thuật
Khả năng thích ứng rộng, có thể gieo cấy trên chân đất phù sa cổ có Glây hóa. Trên đất phù sa phèn nhẹ cho năng suất cao hơn các giống đang sử dụng. Trồng được cả 2 vụ: Đông Xuân gieo mạ tháng 11 – 12, vụ Hè Thu gieo mạ tháng 4 – 5. Cấy khi mạ khoảng 20 – 25 ngày. Có thể đưa vào sản xuất gạo xuất khẩu. Ở các tỉnh phía Bắc trong vụ Xuân muộn hoặc vụ Mùa sớm, vụ Hè Thu ở miền Trung.
Mật độ cấy 44 – 50 khóm/m2 hoặc gieo sạ với lượng hạt giống khoảng 180 kg/ha. Giống chịu thâm canh khá cao, có thể bón 80 – 100 N/ha.
Lưu ý: IR 64 có ưu thế cao hơn trong vụ Đông Xuân; vụ Hè Thu dễ bị lép, đổ nếu bón đạm thiếu cân đối với lân và kali.

GIỐNG LÚA OM 3536 (OMCS 21)
1. Nguồn gốc
Tác giả và cơ quan tác giả: Nguyễn Văn Loãn và CTV: Nguyễn Thị Lang, Bùi Chí Bửu – Viện lúa ĐBSCL.
Nguồn gốc và phương pháp: Giống lúa OM3536 có nguồn gốc từ tổ hợp lai TĐ8/ OM1738.
Giống đã được công nhận giống quốc gia năm 2004 theo Quyết định số 2182 QĐ/ BNN-KHCN ngày 29 tháng 7 năm 2004.
2. Những đặc tính chủ yếu
Giống có thời gian sinh trưởng 95 – 100 ngày trong điều kiện cấy và 85 - 90 ngày khi gieo sạ.
Chiều cao cây 90 – 100 cm, khả năng đẻ nhánh khá, số bông/m2 khoảng 312 bông. Khối lượng 1000 hạt đạt 26,2 g, hàm lượng amyloza 22 – 23%, có mùi thơm trung bình, độ bạc bụng cấp 0, chiều dài hạt gạo 7,1 – 7,5mm. Năng suất trung bình của giống đạt 4,0 tấn/ ha vụ Hè Thu và vụ Đông Xuân 6,0 tấn/ ha.
Giống hơi nhiễm rầy nâu (cấp 5) và hơi kháng bệnh đạo ôn (cấp 3).
3. Hướng dẫn sử dụng và yêu cầu kỹ thuật
OM 3536 có thể trồng được cả hai vụ Đông Xuân và Hè Thu. Giống thích nghi rộng, dễ canh tác, gạo đạt tiêu chuẩn xuất khẩu, hiện đang là một trong 5 giống chủ lực dùng xuất khẩu và đang được trồng nhiều ở các địa phương như An Giang, Long An, Tiền Giang, Sóc Trăng.
Lưu ý: OM 3536 hơi yếu cây và không chịu thâm canh cao. Chú ý bón phân đạm vừa phải và cân đối.

GIỐNG LÚA IR 50404
1. Nguồn gốc
Giống lúa IR 50404 có nguồn gốc từ Viện nghiên cứu lúa quốc tế (IRRI) được nhập vào Việt Nam đầu năm 1990. Giống IR 50404 do Bộ môn Cây lương thực – Viện khoa học kỹ thuật Nông nghiệp Việt Nam chọn lọc và phát triển. Giống IR 50404 được công nhận chính thức vào năm 1992.
2. Đặc điểm nông học
Giống IR 50404 có thời gian sinh trưởng ngắn, khoảng 90 ngày trong điều kiện sạ thẳng; chiều cao cây thấp (85 – 90 cm), đẻ nhánh khá, số hạt/bông trung bình (65 – 70 ), tỉ lệ hạt chắc cao.
IR 50404 chịu phèn mặn khá, dễ tính, thích ứng rộng có thể gieo trồng và đạt năng suất cao trong cả hai vụ Đông Xuân và Hè Thu. Ở thời điểm công nhận giống IR 50404 kháng cao rầy nâu và nhiễm nhẹ bệnh đạo ôn và khô vằn. Hiện nay IR 50404 vẫn được gieo trồng trên diện tích rất rộng ở hầu hết các tỉnh ĐBSCL; giống nhiễm rầy cục bộ ở một số địa phương.
Nhược điểm cơ bản của IR 50404 là chất lượng gạo thấp (hạt hơi ngắn và tỉ lệ bạc bụng khá cao).
3. Hướng sử dụng và yêu cầu kỹ thuật
IR 50404 có thể gieo trồng trong cả 2 vụ Đông Xuân và Hè Thu, đặc biệt thích hợp ở vùng đất nhiễm phèn nhẹ đến trung bình, và những vùng cần giống cực ngắn ngày để tránh mặn trong vụ Đông Xuân và né lũ trong vụ Hè Thu. Tuy nhiên IR 50404 có chất lượng gạo thấp, không nên bố trí sản xuất ở những vùng lúa cao sản chất lượng cao cho xuất khẩu.
Lưu ý: Cần phục tráng, làm thuần giống để phát huy tốt tiềm năng của giống.

GIỐNG LÚA OM 2517
1. Nguồn gốc
Tác giả và cơ quan tác giả: Nguyễn Thị Lang và các CTV: Nguyễn Văn Loãn, Bùi Chí Bửu - Viện lúa ĐBSCL.
Nguồn gốc và phương pháp: Giống lúa OM2517 có nguồn gốc từ tổ hợp lai OM1325/ OMCS94.
Được công nhận giống quốc gia năm 2004 theo Quyết định số 2182 QĐ/BNN-KHCN ngày 29/7/2004.
2. Những đặc tính chủ yếu
Giống có thời gian sinh trưởng ngắn 90 - 95 ngày.
Chiều cao cây 90 – 100 cm, khả năng đẻ nhánh khá, số bông/khóm 9/12. Khối lượng 1000 hạt 26 – 28g, hàm lượng amyloza 24 – 25%, độ bạc bụng cấp 1 - 5, chiều dài hạt gạo 7,0 – 7,3 mm. Năng suất trong vụ Hè Thu đạt 5,0 tấn/ha và vụ Đông Xuân đạt 8 tấn/ha.
Giống kháng rầy nâu cấp 5 và bệnh đạo ôn cấp 5.
3. Hướng dẫn sử dụng và yêu cầu kỹ thuật
Giống thích nghi rộng, dễ canh tác, phù hợp với vùng Tứ Giác Long Xuyên và Tây sông Hậu.

GIỐNG LÚA OM 2395-165
1. Nguồn gốc
Tác giả và cơ quan tác giả: Nguyễn Văn Tạo, Nguyễn Thị Lang và Bùi Chí Bửu, Viện Lúa Đồng bằng sông Cửu Long
Nguồn gốc: Từ tổ hợp lai IR 63356-6B (dạng hình siêu lúa, năng suất cao, sạch bệnh)/ TN 1(giống thấp cây) và chọn lọc theo phương pháp phả hệ, thực hiện từ năm 1999. Giống OM 2395 được công nhận tạm thời năm 2002 và công nhận chính thức năm 2003.
2. Những đặc tính chủ yếu
Thời gian sinh trưởng 95 - 100 ngày.
Chiều cao cây trung bình 90 – 100 cm; thân rạ cứng, khả năng đẻ nhánh khá, khối lượng 1000 hạt 27 – 28 gram.
Chống chịu sâu bệnh: kháng rầy nâu (cấp 1), hơi kháng bệnh đạo ôn (cấp 3).
Năng suất trung bình đạt 5 – 7 tấn/ha trong vụ Đông Xuân, 4 – 6 tấn/ ha trong vụ Hè Thu.
Chất lượng gạo: Tỉ lệ xay sát khá cao (gạo lức: 78 – 80 %; gạo tổng số 67 – 69 %; gạo nguyên: 50 – 55 %). Hạt gạo thon dài (7,0 – 7,4 mm), tỉ lệ dài/ rộng (D/R: 3,3), bạc bụng thấp; hàm lượng amyloza khoảng 24 – 25 %.
3. Hướng dẫn sử dụng và yêu cầu kỹ thuật
Giống OM 2395 kháng sâu bệnh tốt, thích ứng rộng, dễ canh tác ngay cả trong vùng khó khăn; năng suất cao và ổn định, chất lượng gạo tốt. OM 2395 có thể gieo trồng cả trong hai vụ Đông Xuân và Hè Thu, trên đất phù sa ngọt hoặc nhiễm phèn mặn nhẹ ở ĐBSCL.

GIỐNG LÚA OM4498
1. Nguồn gốc
Viện lúa Đồng bằng sông Cửu Long lai tạo và phát triển từ tổ hợp lai: IR64/ OMCS2000// IR64; có sử dụng phương pháp Marker.
Giống OM 4498 đã được Bộ NN và PTNT công nhận tạm thời năm 2005.
2. Những đặc tính chủ yếu
Thời gian sinh trưởng 90 – 95 ngày.
Chiều cao cây đạt 95 – 100 cm.
Chống chịu sâu bệnh: Hơi nhiễm rầy nâu (cấp 5), hơi kháng bệnh đạo ôn (cấp 3); chịu phèn khá.
Năng suất: 6 – 8 tấn/ha.
Chất lượng gạo: Tỉ lệ xay sát cao (gạo lức: 79 -80 %; gạo tổng số 68 – 69 %; gạo nguyên: 50 – 55 %). Hạt gạo thon dài (7,0 – 7,1 mm), tỉ lệ dài/rộng (D/R: 3,3), bạc bụng thấp; hàm lượng amyloza trung bình khoảng 24,5%.
3. Hướng dẫn sử dụng và yêu cầu kỹ thuật
Chịu thâm canh trung bình. Thích hợp cả hai vụ Đông Xuân và Hè Thu cho vùng thâm canh cao, hoặc nhiễm phèn nhẹ đến trung bình.

GIỐNG LÚA OM4495
1. Nguồn gốc
Tác giả và cơ quan tác giả: Nguyễn Thị Lang và các CTV: Bùi Chí Bửu - Viện Lúa ĐBSCL.
Nguồn gốc và phương pháp: Giống lúa OM4495 có nguồn gốc từ IR64/OM1706//IR64.
Được công nhận tạm thời năm 2004 theo Quyết định số 2182 QĐ/BNN-KHCN ngày 29/7/2004.
2. Những đặc tính chủ yếu
Giống có thời gian sinh trưởng ngắn 90 - 95 ngày.
Chiều cao cây 90 – 100 cm, khả năng đẻ nhánh khá, số bông/khóm 8/12. Khối lượng 1.000 hạt 27g, hàm lượng amyloza 24 – 25 %, độ bạc bụng cấp 1-5, chiều dài hạt gạo 7,0 – 7,3 mm. Năng suất giống đạt 5 – 7 tấn/ha.
Giống có tính kháng rầy nâu cấp 5 và bệnh đạo ôn cấp 3, hơi yếu cây.
3. Hướng dẫn sử dụng và yêu cầu kỹ thuật
Giống OM4495 là giống lúa cao sản, ngắn ngày, phẩm chất gạo tốt, được giải thưởng bông lúa vàng Hội chợ Quốc tế Nông nghiệp năm 2003. Giống phù hợp gieo trồng vụ Hè Thu và Đông Xuân tại vùng đất cao các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long dưới điều kiện thâm canh thấp đến trung bình.
Lưu ý: Giống hơi yếu cây, cần bón phân đạm vừa phải và cân đối

GIỐNG LÚA AS 996-9
1. Nguồn gốc
Tác giả và cơ quan tác giả: Nguyễn Văn Tạo, Nguyễn Thị Lang, Bùi Chí Bửu - Viện lúa ĐBSCL.
Nguồn gốc lai tạo: Được tạo ra từ tổ hợp lai IR64/Oryzarufipugon.
Phương pháp chọn tạo: Lai tạo hữu tính với bốn lần hồi giao.
Được khu vực hóa theo Quyết định số 5218 BNN-KHCN/QĐ ngày 16/11/2000 và công nhận chính thức là giống quốc gia năm 2002 theo Quyết định số 5310 QĐ/BNN – KHCN ngày 29/11/2002.
2. Những đặc tính chủ yếu
Thời gian sinh trưởng 90 – 100 ngày .
Chiều cao cây 80 – 90 cm, thân rạ cứng, đẻ nhánh khá. Có phẩm chất gạo tương đương với IR 64; hạt gạo dài 7,4mm; tỉ lệ dài/rộng 3,4; ít bạc bụng; tỉ lệ amyloza 24,76%; cơm mềm và ngon. Năng suất vụ Đông Xuân 5 - 7 tấn/ha, vụ Hè Thu 4 – 5 tấn/ha tương đương và cao hơn giống lúa IR64.
Chống chịu bệnh đạo ôn cấp 3 và rầy nâu cấp 5, kháng phèn tốt.
3. Hướng dẫn sử dụng và yêu cầu kỹ thuật
Thích hợp vụ Đông Xuân và Hè Thu trên đất phù sa và đất phèn.
Các lưu ý trong sản xuất: Chịu thâm canh cao.

GIỐNG LÚA OM 2718
1. Nguồn gốc
Tác giả và cơ quan tác giả: Nguyễn Thế Lâm, Nguyễn Thị Hoa, Nguyễn Trọng Lương, Trần Thị Thanh Xà, Phạm Văn Sơn và Phạm Văn Ro – Viện lúa ĐBSCL.
Nguồn gốc lai tạo: Giống lúa OM2718 được tạo ra từ cặp lai OM1738/ MCRDB. Trong đó OM1738 tạo ra từ cặp lai OM269/ IR50401. Dòng MCRDB là dòng đột biến từ giống móng chim rơi phóng xạ dưới tia gamma (y60Co) ở liều lượng 20 Krad tại thời điểm 69 giờ sau khi mọc mầm.
Được công nhận tạm thời theo Quyết định số 2182 QĐ/BNN-KHCN ngày 29 tháng 7 năm 2004.
2. Những đặc tính chủ yếu
Thời gian sinh trưởng 100 ngày trong điều kiện gieo mạ cấy và 90 - 95 trong điều kiện gieo thẳng.
Chiều cao cây 100 – 105 cm, tỉ lệ hạt lép/bông khoảng 12 – 20 %. Khối lượng 1.000 hạt thóc từ 22 – 25g. Năng suất trung bình ở vụ Đông Xuân 5 - 6 tấn/ha, vụ Hè Thu 4 tấn/ha. OM 2718 có gạo hạt dài 7mm, gạo trong k hông bạc bụng, cơm mềm đạt tiêu chuẩn gạo xuất khẩu.
Kết quả đánh giá trong điều kiện nhân tạo cho thấy OM 2718 có tính kháng trung bình với rầy nâu và nhiễm bệnh đạo ôn (cấp 7), hơi nhiễm rầy nâu (cấp 5).
3. Hướng dẫn sử dụng và yêu cầu kỹ thuật
Giống có tính thích ứng rộng, dễ sản xuất, có thể gieo trồng trong cả hai vụ Đông Xuân và Hè Thu ở vùng bán đảo Cà Mau.
Giống nhiễm rầy nâu và bệnh đạo ôn, vì vậy cần gieo sạ với mật độ vừa phải, áp dụng lượng phân đạm trung bình và cân đối với lân và kali; Giảm diện tích sản xuất ở những vùng có áp lực rầy nâu và bệnh đạo ôn cao.

GIỐNG LÚA JASMINE 85
1. Nguồn gốc
Tác giả và cơ quan tác giả: Đỗ Khắc Thịnh, Đào Minh Xô, Trương Thị Hoài Nam và Trần Tiến Khai – Viện Khoa học Kỹ thuật Nông nghiệp miền Nam.
Nguồn gốc: Jas mine 85 (Dòng lai IR 841-85) được chọn tạo từ tổ hợp lai Pata/ TN 1// Khao dawk Mali của Viện nghiên cứu Lúa Quốc tế (IRRI).
Phương pháp chọn lọc: Chọn lọc làm thuần giống, đưa ra khảo nghiệm và sản xuất thử từ năm 1993.
2. Những đặc tính chủ yếu
Thời gian sinh trưởng trong vụ Đông Xuân từ 95 -102 ngày, vụ Hè Thu 100 – 108 ngày; chiều cao cây 85 – 90 cm, khá cứng cây, đẻ nhánh trung bình, lá đòng thẳng; khối lượng 1.000 hạt khoảng 26 – 27 gram. Hạt gạo dài 7,2 – 7,6 mm, trong suốt, không bạc bụng, mạt gạo đẹp; hàm lượng amylose trung bình (20 – 21 %), độ hóa hồ cấp 5, cơm mềm, dẻo có mùi thơm đặc trưng.
Năng suất trung bình trong vụ Đông Xuân từ 5 – 8 tấn/ ha; vụ Hè Thu 3,5 – 4,5 tấn/ ha.
Jasmine 85 nhiễm rầy nâu, nhiễm bệnh đạo ôn và bệnh cháy bìa lá; ít chịu phèn, hạn và nhập úng.
3. Hướng sử dụng và yêu cầu kỹ thuật
Thời vụ gieo trồng thích hợp nhất là vụ Đông Xuân.
Phạm vi phân bố: Thích hợp vùng đất phù sa ngọt ở ĐBSCL hoặc đất xám vùng Đông Nam bộ; phù hợp sản xuất gạo đặc sản cho tiêu dùng trong nước hoặc xuất khẩu.
Lưu ý trong sản xuất: Giống Jasmine 85 nhiễm nặng cả rầy nâu và bệnh đạo ôn, không nên bố trí cơ cấu quá lớn trong sản xuất; áp dụng biện pháp thâm canh tổng hợp, kết hợp sử dụng giống xác nhận để đảm bảo năng suất và chất lượng lúa.

GIỐNG LÚA VĐ 20 (OMĐS 20)
1. Nguồn gốc
Tác giả và cơ quan tác giả: Nguyễn Văn Luật và CTV: Lê Thị Dự, Lê An Ninh, Nguyễn Thị Tâm, Bùi Chí Bửu – Viện Lúa Đồng bằng sông Cửu Long.
Nguồn gốc và phương pháp: Giống VĐ 20 có nguồn gốc từ Đài Loan, được tuyển chọn theo phương pháp chọn đầu dòng và so sánh các dòng triển vọng. VĐ 20 được công nhận là giống tiến bộ kỹ thuật năm 2004 theo Quyết định số 2182 QĐ/ BNN-KHCN ngày 29/ 07/ 2004.
2. Những đặc điểm chủ yếu
Giống có TGST ngắn từ 100 – 115 ngày, có thể trồng nhiều vụ trong năm. Thuộc dạng hình thâm canh thấp. Chiều cao cây 105 – 115 cm, số hạt chắc/ bông khá cao (100 – 120), tỉ lệ lép 15 – 22 %. Khối lượng 1.000 hạt 21 gram, hạt gạo ngắn (5,8 – 6,4 cm), màu sắc vỏ trấu vàng, có sọc; bạc bụng cấp 0. Tỉ lệ gạo nguyên cao (trên 45%); hàm lượng amylose thấp đến trung bình (18,4%); gạo có chất lượng cao cấp, thơm, dẻo phù hợp với thị hiếu người tiêu dùng. Năng suất đạt 3 - 4 tấn/ ha trong vụ Hè Thu và 4 – 5 tấn/ ha trong vụ Đông Xuân. Năng suất cao nhất có thể đạt 6 tấn/ ha.
Giống nhiễm rầy nâu (cấp 7) và hơi nhiễm bệnh đạo ôn (cấp 5).
3. Hướng sử dụng và yêu cầu kỹ thuật
Giống có thích nghi rộng với nhiều vùng sinh thái và có ưu thế cao hơn trong vụ Đông Xuân so với vụ Hè Thu; có thể gieo trồng được trên đất phèn nhẹ. VĐ 20 được sản xuất rộng ở Tiền Giang, Vĩnh Long, Đồng Tháp, Long An...

GIỐNG VND 99-3
1. Nguồn gốc
Tác giả và cơ quan tác giả: Đỗ Khắc Thịnh, Đào Minh Sô, Trương Quốc Ánh – Viện Khoa học Kỹ thuật Nông nghiệp miền Nam.
Phương pháp chọn tạo: Đột biến phóng xạ gamma Co60, trên giống Nàng Hương và chọn lọc phả hệ.
Được công nhận tạm thời năm 2004 theo Quyết định số 2182 QĐ/BNN-KHCN ngày 29 tháng 7 năm 2004.
2. Những đặc tính chủ yếu
Thời gian sinh trưởng vụ Đông Xuân 90 - 98 ngày, vụ Hè Thu 100 - 105 ngày.
Chiều cao cây 85 – 90 cm, thân cứng trung bình, đẻ nhánh khá, lá đồng thẳng (cấp 3), khối lượng 1.000 hạt 25 – 27g. Hạt gạo dài 7,0 – 7,4 mm, bạc bụng trung bình (caịnh); độ hóa hồ cấp 4 – 5, amyloza 22 – 23 %, cơm mềm, dẻo. Năng suất trung bình vụ Đông Xuân 5 – 8 tấn/ ha, Hè Thu 4 – 6 tấn/ ha.
Hơi kháng rầy nâu, nhiễm nhẹ bệnh đạo ôn và cháy bìa lá, ít nhiễm đốm vằn, vàng lá, chịu phèn, chịu hạn rất tốt.
3. Hướng dẫn sử dụng và yêu cầu kỹ thuật
Thời vụ thích hợp: Hè Thu, Mùa, Đông Xuân.
Phạm vi phân bố: Thích nghi rộng, dễ trồng, chịu được điều kiện khó khăn, đặc biệt thích hợp vùng Đông Nam bộ.
Các lưu ý trong sản xuất: Giống thích nghi rộng, thích hợp trên nhiều chân đất, địa hình; đặc biệt rất thích hợp cho những vùng khó khăn, ít có điều kiện thâm canh về phân bón, thuốc bảo vệ thực vật.

GIỐNG LÚA OM 3242
1. Nguồn gốc
Tác giả và cơ quan tác giả: Phạm Thị Mùi và các CTV: Bùi Chí Bửu - Viện lúa ĐBSCL.
Nguồn gốc và phương pháp: Giống lúa OM3242 được chọn lọc và phát triển từ tổ hợp lai IR64/ K26.
Được công nhận tạm thời năm 2004 theo Quyết định số 2182 QĐ/ BNN-KHCN ngày 29/ 7/ 2004.
2. Những đặc tính chủ yếu
Giống có thời gian sinh trưởng ngắn 95 – 100 ngày. Chiều cao cây trung bình 90 – 100 cm, khả năng đẻ nhánh khá, số bông/ khóm cao (9 – 12). Khối lượng 1.000 hạt 27g, hàm lượng amylose hơi cao (25%), độ bạc bụng cấp 1 – 5, chiều dài hạt gạo 7,0 – 7,3 mm. Giống có năng suất trung bình 5 tấn/ha (vụ Hè Thu) và 6 tấn/ha (vụ Đông Xuân).
Giống có tính kháng rầy nâu cấp 5 và bệnh đạo ôn cấp 5.
3. Hướng dẫn sử dụng và yêu cầu kỹ thuật
Giống có khả năng thích ứng rộng, khả năng kháng mặm tương đối khá, phẩm chất tốt, hiện đang được mở rộng trồng ở các vùng phèn ở Kiên Giang, An Giang, Cần Thơ, Tiền Giang và Đồng Tháp.

GIỐNG LÚA IR 42 (NN 4 B)
1. Nguồn gốc
Giống lúa IR 42 nhập nội từ Viện Lúa quốc tế, có tên gốc là IR 2071-586-5-6-3.
Được công nhận giống quốc gia năm 1885 theo Quyết định số 10 NN/ QĐ ngày 14 tháng 1 năm 1985.
2. Những đặc điểm chủ yếu
Thời gian sinh trưởng 140 – 150 ngày, ở đất phèn mặn tới 160 ngày; nơi đất tốt 135 ngày.
Chiều cao cây trung bình khoảng 110 cm, đẻ nhánh khỏe, nhiều bông; số hạt chắc/ bông khá cao ( 95 – 105 hạt), gạo ngon ít bạc bụng. IR 42 dễ tính, không đòi hỏi thâm canh cao, trong điều kiện bình thường vẫn cho năng suất khá. Năng suất bình quân 4,0 – 4,5 tấn/ ha; cao nhất có thể đạt 6 – 8 tấn/ ha.
Chịu phèn mặn tốt, kháng rầy nâu típ 2, kháng ngang với bệnh nấm đạo ôn. Nhược điểm là nhiễm bệnh bạc lá và khô vằn.
3. Hướng sử dụng và yêu cầu kỹ thuật
IR 42 có thể gieo trồng trên đất phèn mặn, mực nước không sâu quá 40 cm; có thể bố trí gieo trồng ở trà lúa Mùa sớm để thu hoạch vào tháng 11 ở những vùng lúa Mùa ĐBSCL.

GIỐNG LÚA IR 29723
1. Nguồn gốc
Tác giả và cơ quan tác giả: Viện Lúa Đồng bằng sông Cửu Long.
Nguồn gốc và phương pháp chọn tạo: Giống IR 29723 được nhập từ Viện nghiên cứu lúa Quốc tế (IRRI), được Viện lúa ĐBSCL nhập nội, chọn lọc và phát triển. Giống đã được khu vực hóa năm 1990 và công nhận giống quốc gia năm 1992 theo Quyết định số 126 NN-KHCN/ QĐ ngày 21 tháng 5 năm 1992.
2. Những đặc điểm chủ yếu
Thời gian sinh trưởng trung ngày, từ 125 – 135 ngày; chiều cao cây trung bình từ 105-110 cm; hạt thon dài, khối lượng 1.000 hạt từ 23 – 25 gram; tỉ lệ gạo 66 – 70 %, ngon cơm, có thể xuất khẩu; nhược điểm là hàm lượng amylose hơi cao. Năng suất trung bình đạt từ 4,0 – 5,0 tấn/ ha; thâm canh cao có thể đạt 6 – 7 tấn/ ha.
Hơi nhiễm rầy nâu, hơi kháng đạo ôn, nhiễm bệnh cháy bìa lá. Khả năng phục hồi sau khi ngập hoặc sau khi bị bệnh kém hơn IR 42. IR 29723 chịu phèn mặc khá tốt.
3. Hướng sử dụng và yêu cầu kỹ thuật
Giống chịu thâm canh cao, thích hợp chân đất trũng ở các tỉnh Cà Mau, Bạc Liêu, Sóc Trăng, Bến Tre, Tiền Giang...
Thích hợp gieo cầy trong vụ Mùa hoặc Hè Thu. Vụ Mùa gieo mạ vào tháng 7 – 8, cầy vào tháng 8 – 9, tuổi mạ 25 – 28 ngày.

GIỐNG LÚA OM 5930
1. Nguồn gốc
Tác giả và cơ quan tác giả: Nguyễn Thị Lang, Bùi Chí Bửu, và CTV, Viện Lúa Đồng bằng sông Cửu Long
Nguồn gốc và phương pháp chọn tạo: OM 5930 có nguồn gốc từ biến dị tế bào soma giống OM 3536, thực hiện vào 2001, dòng triển vọng được chọn bằng Maker và được khảo nghiệm chính thức từ năm 2005.
2. Những đặc điểm chủ yếu
Thời gian sinh trưởng từ 95 – 100 ngày; chiều cao cây trung bình từ 105 – 110 cm; thân rạ cứng, khả năng đẻ nhánh khá, hạt chắc/ bông cao (150), khối lượng 1.000 hạt 25 – 26 gram; hạt gạo thon dài, chiều dài hạt gạo 7,0 – 7,3 mm, bạc bụng cấp 0, hàm lượng amylose trung bình (22,0 - 22,5 %); tỉ lệ xay xát khá cao, gạo trắng đạt khoảng 70% và gạo nguyên đạt xung quanh 50%. Năng suất trung bình đạt từ 5,0 – 7,0 tấn/ ha; thâm canh cao có thể đạt 7 – 8 tấn/ ha.
Kháng cao rầy nâu (cấp 1), hơi kháng đạo ôn (cấp 3).
3. Hướng sử dụng và yêu cầu kỹ thuật
Giống chịu thâm canh cao, thích hợp đất phù sa ngọt; với khả năng kháng rầy nâu và bệnh đạo ôn tốt, OM 5930 có thể phát triển để thay thế giống OM 2514, OM 1490 và bổ sung vào cơ cấu giống lúa cao sản chất lượng cao.

GIỐNG LÚA OM 5239
1. Nguồn gốc
Tác giả và cơ quan tác giả: Nguyễn Thị Lang, Bùi Chí Bửu, và CTV, Viện Lúa Đồng bằng sông Cửu Long.
Nguồn gốc và phương pháp chọn tạo: OM 5239 được chọn lọc và phát triển từ tổ hợp lai IR 64/ OM 2395 và được khảo nghiệm chính thức từ năm 2004-2006.
2. Những đặc điểm chủ yếu
Thời gian sinh trưởng từ 95 – 100 ngày; chiều cao cây trung bình từ 95 – 105 m; thân rạ cứng, khả năng đẻ nhánh khá, hạt chắc/ bông cao (80 - 100), khối lượng 1.000 hạt 26,0 – 26,5 gram; hạt gạo thon dài, chiều dài hạt gạo 7,0 – 7,1 mm, bạc bụng thấp (cấp 1), hàm lượng amylose trung bình đến hơi cao (24,0 – 25,0 %); cơm nở, rời và hơi cứng; tỉ lệ xay xát khá cao, gạo trắng đạt khoảng 68 – 69 % và gạo nguyên đạt từ 45 – 50 %. Năng suất trung bình đạt từ 5,0 – 7,0 tấn/ ha; thâm canh cao có thể đạt 7 – 8 tấn/ ha.
Hơi kháng – hơi nhiễm rầy nâu (cấp 3-5), hơi nhiễm đạo ôn (cấp 5).
3. Hướng sử dụng và yêu cầu kỹ thuật
Giống lúa OM 5239 thích ứng rộng, phù hợp cả trong điều kiện thâm canh và những vùng khó khăn như Kiên Giang, Trà Vinh, Cần Thơ, Bến Tre, Hậu Giang; giống có thể gieo trồng trong cả hai vụ Đông Xuân và Hè Thu.

GIỐNG LÚA MTL384 (L264-1-4-5-4-2)
1. Nguồn gốc
Tác giả và cơ quan tác giả: Bộ môn Tài nguyên Cây Trồng, Viện NC Phát triển Đồng bằng sông Cửu Long, Đại học Cần Thơ.
Nguồn gốc và phương pháp: Giống lúa MTL384 có tên gốc L264-1-4-5-4-2 được chọn lọc từ các dòng phân ly F6 của tổ hợp lai L264/ MTL142 năm 1999. Giống MTL384 đã được khảo nghiệm Quốc gia trong ba vụ từ Đông Xuân 2004-2005 đến Đông Xuân 2005-2006.
2. Những đặc tính chủ yếu
Thời gian sinh trưởng 85 – 90 ngày trong điều kiện gieo thẳng, 95 ngày trong điều kiện cấy tại ĐBSCL.
Chiều cao cây trung bình 80 – 90 cm, lá thẳng ngắn, thích hợp cho điều kiện thâm canh, số bông/m2 trung bình từ 260 – 290 (lúa cấy). Số hạt chắc/bông thay đổi từ 90 – 100 hạt, trọng lượng 1.000 hạt trung bình 25 – 27 g. Năng suất trung bình thay đổi từ 5,4 – 7,3 tấn/ha trong vụ Đông Xuân và Hè Thu 5,0 – 5,5 tấn/ha,
MTL 384 có tỉ lệ gạo trắng cao (69 – 70 %) và gạo nguyên cao (54 – 58 %), tỉ lệ bạc bụng thấp. Chiều dài hạt gạo khoảng 6,7 mm, hàm lượng amylose cao (28,2%). Gạo trắng trong, có mùi thơm nhẹ, đạt tiêu chuẩn xuất khẩu.
Kháng rầy nâu trung bình (3-5) và hơi kháng đạo ôn (3-5), chịu phèn khá.
3. Hướng dẫn sử dụng và yêu cầu kỹ thuật
MTL 384 thích nghi tốt cả hai vùng phù sa và đất phèn có cải tạo như Tri Tô (An Giang), Tân Phước (Tiền Giang), Phụng Hiệp (Hậu Giang), Bạc Liêu; giống có thễ gieo trồng trong cả hai vụ Đông Xuân và Hè Thu.

GIỐNG LÚA MTL 392 (L 274-4-5-7-1-1)
1. Nguồn gốc
Tác giả và cơ quan tác giả: Bộ môn Tài nguyên Cây Trồng, Viện NC Phát triển Đồng bằng sông Cửu Long, Đại học Cần Thơ.
Nguồn gốc và phương pháp: được chọn lọc và phát triển từ tổ hợp lai L 274// Lúa thơm cực ngắn / OM 1723. Giống lúa MTL 392 đã được khảo nghiệm quốc gia trong 2 năm, 2005-2006.
2. Đặc điểm nông học
Thời gian sinh trưởng trong điều kiện sạ thẳng từ 90 - 95 ngày; trong điều kiện cấy kéo dài đến 100 ngày.
Giống lúa MTL392 có chiều cao trung bình 95 – 100 cm, lá thẳng, bông dài to, thích hợp cho điều kiện thâm canh, số bông/m2 trung bình từ 300 – 340 bông/m2 (lúa cấy), số hạt chắc/bông thay đổi từ 70 – 100 hạt, trọng lượng 1.000 hạt trung bình 27,0 – 27,5 gam. Năng suất trung bình thay đổi từ 6,5 – 7,5 tấn/ha trong vụ Đông Xuân và 5,0 – 5,5 tấn/ha trong vụ Hè Thu. Kết quả phân tích phẩm chất hạt cho thấy giống MTL392 có tỉ lệ gạo trắng cao (70,2 %), tỉ lệ gạo nguyên thu hồi cao (58 – 60 %), tỉ lệ gạo bạc bụng thấp (14 - 15% bạc bụng tổng số) trong đó số hạt bạc bụng cấp 9 rất thấp (10%), chiều dài hạt gạo trắng 7,0 mm, hàm lượng amylose thấp (21,0 – 22,0 %), protein cao (11,0%). Gạo trắng trong, có mùi thơm nhẹ đạt tiêu chuẩn xuất khẩu.
Giống lúa MTL392 kháng rầy nâu (cấp 1,7 – 3,7) và hơi nhiễm bệnh đạo ôn (cấp 5 - 6) trong các thử nghiệm trong nhà lưới tại Trung tâm Bảo vệ Thực vật phía Nam và Đại học Cần Thơ. Qua sản xuất trong vụ Đông Xuân và Hè Thu 2006 giống MTL392 tỏ ra chống chịu tốt với rầy nâu và bệnh vàng lùn-lùn xoắn lá tại các tỉnh Vĩnh Long, Cần Thơ, Hậu Giang.
3. Hướng dẫn sử dụng và yêu cầu kỹ thuật
Giống lúa MTL392 thích nghi tốt ở cả hai vùng phù sa và vùng đất phèn có cải tạo như vùng Phụng Hiệp- Hậu Giang. Qua kết quả sản xuất cho thấy giống lúa MTL392 phù hợp cho vùng sinh thái phù sa ngọt ở ĐBSCL, đang phát triển sản xuất mạnh tại các tỉnh Vĩnh Long, Tp. Cần Thơ, Hậu Giang.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Thân mời mọi người ghé thăm Blog nhận xét. Tôi sẽ phản hồi trong thời gian sớm nhất! Các bạn vui lòng để lại Email, đễ những phản hồi gởi đến trực tiếp các bạn. Trân trọng!

BÁO NÔNG NGHIỆP VIỆT NAM - KHOA HỌC KỸ THUẬT

BÁO NÔNG NGHIỆP VIỆT NAM - KHUYẾN NÔNG

NÔNG THÔN MỚI - BÁO DÂN VIỆT