LUAGAO - Với diện tích 4,2 triệu ha gieo trồng lúa ở Nam bộ, hàng năm yêu cầu 500.000 tấn giống xác nhận hay 120.000 ha để sản xuất giống. Nhưng các công ty giống lớn ở Nam bộ như Cty CP Giống cây trồng miền Nam, Cty CP BVTV An Giang, Cty Giống cây trồng Đồng Tháp... chỉ đáp ứng 50.000 tấn giống lúa hàng năm.
Như vậy thực tế chỉ đảm bảo 10 - 15% lượng giống cung cấp cho sản xuất; tư nhân sản xuất lúa giống đảm bảo chất lượng khoảng 10%; như vậy trên 70% hạt giống sản xuất vẫn chưa được cung ứng theo tiêu chuẩn quốc gia, do đó muốn đảm bảo lượng giống lúa xác nhận phải tổ chức lại sản xuất theo hướng: “Xã hội hóa sản xuất lúa giống” ở Nam bộ.
Như vậy thực tế chỉ đảm bảo 10 - 15% lượng giống cung cấp cho sản xuất; tư nhân sản xuất lúa giống đảm bảo chất lượng khoảng 10%; như vậy trên 70% hạt giống sản xuất vẫn chưa được cung ứng theo tiêu chuẩn quốc gia, do đó muốn đảm bảo lượng giống lúa xác nhận phải tổ chức lại sản xuất theo hướng: “Xã hội hóa sản xuất lúa giống” ở Nam bộ.
Trước năm 2000, tỷ lệ sử dụng giống xác nhận của người dân chỉ đạt dưới 10%, nhưng đến năm 2006 - 2007 đã tăng đến 25 - 27% ở các tỉnh Nam bộ. Ý thức của người dân đã có những bước chuyển đáng kể về sử dụng giống xác nhận. Tuy vậy, so với nhiều nước tiên tiến trong khu vực, mức độ sử dụng giống xác nhận ở các tỉnh Nam bộ vẫn còn thấp. Vì vậy bước đầu tiên là làm cho người sản xuất phải thay đổi tư duy về giống cây trồng. Người dân có ý thức càng cao về vai trò quan trọng của giống cây trồng thì càng có động lực để thúc đẩy công tác sản xuất giống, kích cầu cung ứng giống và do đó hệ thống giống từ khâu nghiên cứu, sản xuất và lưu thông giống mới có điều kiện phát triển.
Với vai trò chủ đạo của Nhà nước mà trực tiếp là Bộ NN-PTNT lâu nay đã đề ra nhiều chủ trương chính sách từ khâu nghiên cứu giống, khảo nghiệm và công nhận giống cây trồng. Các khâu kiểm tra, kiểm định giống từ cấp trung ương đến địa phương. Đặc biệt trong sản xuất giống, Bộ NN-PTNT đã quy định các cấp nhân giống siêu nguyên chủng, nguyên chủng và cấp xác nhận. Bên cạnh đó để tạo điều kiện trong công tác lưu giữ bảo tồn, khai thác nguồn gen và giống cây trồng địa phương; chọn tạo giống cây trồng mới; sản xuất và trao đổi giống cây trồng cộng đồng hoặc lưu thông trên thị trường Bộ NN-PTNT đã ban hành Quy định 35/2008/QĐ-BNN năm 2008 về quản lý sản xuất giống cây trồng nông hộ.
Quy định này đã xác định rõ nông hộ có quyền tham gia vào các công tác chọn tạo, sản xuất để sử dụng, hoặc trao đổi trên thị trường. Quyết định này rất quan trọng, là một trong các cơ sở pháp lý để phát triển ngành giống theo hướng “xã hội hóa”. Trong thực tế, dưới sự hướng dẫn của các nhà khoa học, các dự án bảo tồn và phát triển đa dạng sinh học cộng đồng ở ĐBSCL, nhiều nông dân đã được tập huấn kỹ năng lai tạo và chọn lọc giống lúa. Một số nông dân giỏi đã tự lai tạo chọn lọc giống lúa tốt phục vụ trực tiếp cho sản xuất như trường hợp giống CLV.1 của nông dân Kim Suôi ở Sóc Trăng, giống HĐ 4 của nông dân Nguyễn Văn Tính ở Kiên Giang và nhiều nông dân ở Tiền Giang, An Giang, Trà Vinh cũng đã lai tạo thành công giống lúa cho kết quả tốt ở các thử nghiệm tại một số tỉnh ĐBSCL. Đây là một hướng tốt cần khuyến khích và quản lý các giống chọn tạo từ nguồn nông dân theo đúng quy định của Bộ NN-PTNT.
Hiện nay có “mạng lưới” sản xuất giống ở các địa phương, từ tổ giống đến HTX. Các tổ chức này nhiều nơi còn mang tính tự phát, vì vậy cần củng cố, nâng chất lượng hoạt động của các tổ nhân giống lúa cũ, thành lập thêm các tổ nhân giống lúa mới, đặt dưới sự quản lý của HTX nông nghiệp. Hoặc các tổ nhân giống này đặt dưới sự hướng dẫn của câu lạc bộ nhân giống, câu lạc bộ khuyến nông ở những nơi chưa có HTX. Đặc biệt có sự quan tâm của các ngành các cấp của địa phương hỗ trợ về mặt kỹ thuật, phương tiện, điều kiện nhân giống với số lượng giống lớn theo yêu cầu của từng vùng sinh thái có chất lượng cao. Sự phát triển của mạng lưới sản xuất giống địa phương từ khâu sản xuất, chế biến cung ứng giống, từng bước nâng dần diện tích sử dụng giống có chất lượng, nhằm góp phần cải thiện năng suất, cải thiện chất lượng lúa thương phẩm trên toàn vùng.
Để mở rộng mạng lưới sản xuất giống ở địa phương, trước hết các cơ sở kinh doanh giống phải đăng ký, tập huấn và được cung cấp các thông tin quan trọng về quản lý giống cây trồng. Các Sở NN-PTNT thành lập bộ phận quản lý về giống, củng cố và nâng cấp các phòng kiểm định, kiểm nghiệm với đủ năng lực thực hiện nhiệm vụ chuyên môn. Các Sở NN-PTNT chịu trách nhiệm cấp giấy chứng nhận hành nghề về giống ở địa phương. UBND cấp tỉnh ban hành những quy định quản lý nhà nước về giống trên địa bàn của tỉnh dựa trên cơ sở quyết định của Nhà nước về quản lý giống cây trồng.
"Trong sản xuất lúa nhiều năm qua, bà con nông dân thường chú ý đến giống lúa mà ít quan tâm đến chất lượng hạt giống. Trong thực tế sản xuất ở Nam bộ, đa phần người dân sử dụng giống tự sản xuất hoặc trao đổi giữa các nông dân với nhau, thậm chí nhiều người còn dùng lúa ăn để làm giống.
Vì vậy hậu quả giống bị lẫn tạp, thoái hóa đã ảnh hưởng không nhỏ đến năng suất, chất lượng lúa gạo, đồng thời giảm giá trị đối với người tiêu dùng và xuất khẩu."
Vai trò của Sở NN-PTNT, Trung tâm khuyến nông, Trung tâm giống của các tỉnh rất lớn trong chiến lược xã hội hóa công tác giống. Vai trò, nhiệm vụ của các tổ chức này thể hiện từ khâu quy hoạch cơ cấu giống của địa phương, tổ chức mạng lưới khảo nghiệm, sản xuất thử, sản xuất giống, hỗ trợ giống cho nông dân, trình diễn, hội thảo, xây dựng mô hình sản xuất giống nông hộ, tọa đàm, phát hành tài liệu, thông tin qua báo đài... Nhờ đó giải quyết được đầu ra cho những nơi sản xuất giống và kích thích sự phát triển của hệ thống giống. Vấn đề “liên kết 4 nhà” đối với xã hội hóa giống cũng cần phải đặt ra thật căn cơ dựa trên nguyên tắc lợi ích và trách nhiệm của các bên, dựa trên các hợp đồng kinh tế - kỹ thuật... Các doanh nghiệp kinh doanh lúa gạo, giống lúa phải vào cuộc ngay từ những bước ban đầu: Quy hoạch cơ cấu giống, hỗ trợ giống cho nông dân, đầu tư kỹ thuật sản xuất lúa giống, dự án cụ thể dưới sự giám sát của các tổ chức nhà nước và được hỗ trợ về mặt kỹ thuật từ phía các nhà khoa học. Để liên kết “giữa các nhà” thật bền vững phải dựa vào những cơ chế liên kết theo kinh tế thị trường và phải có sự hỗ trợ, giám sát của Nhà nước.
So với Thái Lan trong sản xuất lúa gạo, Việt Nam có ưu thế về năng suất, sản lượng, giá thành nhưng lại yếu thế về chất lượng lúa gạo. Nếu vấn đề “xã hội hóa sản xuất và sử dụng giống xác nhận” thành công thì trong cuộc cạnh tranh trên thị trường gạo quốc tế, Việt Nam sẽ có những bước đột phá ở thị trường gạo chất lượng cao...
PV
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Thân mời mọi người ghé thăm Blog nhận xét. Tôi sẽ phản hồi trong thời gian sớm nhất! Các bạn vui lòng để lại Email, đễ những phản hồi gởi đến trực tiếp các bạn. Trân trọng!