=== TÌM KIẾM THÔNG TIN LÚA GẠO ===

=== BÀI VIẾT MỚI NHẤT ===

=== BÀI ĐĂNG PHỔ BIẾN ===


Thứ Hai, 7 tháng 7, 2008

GIỐNG LÚA LAI 10 TỶ ĐỒNG

TT - Một nữ khoa học gia đã nghỉ hưu vừa gây chấn động giới khoa học VN bởi cái tên TH3-3, một giống lúa lai hai dòng 100% "made in VN" được chuyển nhượng cho một công ty tư nhân với giá kỷ lục 10 tỉ đồng. Đó là PGS-TS Nguyễn Thị Trâm, nguyên giảng viên Trường ĐH Nông nghiệp 1 và từng là phó viện trưởng Viện Sinh học nông nghiệp...PGS.TS Nguyễn Thị Trâm đã tự xô đổ chính kỷ lục của mình vừa lập hồi tháng 3-2008, khi đứa con "cùng mẹ khác cha" TH3-4 được chuyển nhượng cho Công ty Giống cây trồng T.Ư với giá kỷ lục VN khi đó là 700 triệu đồng cho một giống lúa lai VN...PGS-TS Trâm đã được trao giải thưởng Kovalevskaia năm 2000 (cá nhân), giải thưởng nhà nước về khoa học và công nghệ năm 2005 và là "cha đẻ” của rất nhiều giống lúa mới của VN. "Hoa hậu" lúa lai!Đầu tháng 6-2008, người làm nông nghiệp cả nước mừng vui vì vụ mùa bội thu, và giới khoa học nông nghiệp VN nói riêng lại ngất ngây với tin "chấn động" - một nữ đồng nghiệp của mình đã chuyển nhượng một giống lúa lai với giá 10 tỉ đồng cho một anh bán thuốc bảo vệ thực vật tận Nam Trực, Nam Định.Từ năm 2003, nông dân Hà Nội, Thanh Hóa, Hà Tây, Hà Nam, Hưng Yên dần quen với giống lúa lai hai dòng TH3-3, một giống lúa lai cho năng suất khá cao (6-7 tấn/ha, có nơi đạt trên 8 tấn/ha) mà thời gian sinh trưởng ngắn (105-115 ngày/vụ mùa; 115-125 ngày/vụ xuân), thích hợp với trồng trên đất ba vụ (hai vụ lúa, một vụ màu). TH3-3 lại chịu được mọi loại đất, mọi địa hình, khả năng chống chịu sâu bệnh cao (giảm 50% chi phí thuốc trừ sâu)…Giới khoa học nông nghiệp đã ít nhiều biết tiếng tổ hợp giống lúa lai hai dòng của PGS Trâm khi bà "thai nghén" từ những năm 1994-1995. Các công ty giống từ trung ương đến các tỉnh, thành, thậm chí cả các công ty tư nhân đều đã biết ưu điểm của TH3-3. Vì thế từ năm 2003, khi TH3-3 được công nhận tạm thời đã có rất nhiều nơi chèo kéo làm ăn, đòi mua đứt "đứa con" của nhà nữ khoa học này. Năm 2005, TH3-3 được chính thức công nhận và cấp bản quyền (2007) cũng là lúc gần khắp miền Bắc đã có 20.000-30.000ha lúa lai hai dòng TH3-3 được nông dân trồng thử, với lượng giống mà PGS "xuất" ra mỗi năm lên tới 1.000 tấn giống F1.Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Nguyễn Trí Ngọc - cục trưởng Cục Trồng trọt - Bộ NN&PTNT - cho biết vụ đông xuân 2008, năng suất bình quân của toàn miền Bắc đạt 6,5 tấn/ha, vẫn thấp hơn năng suất của TH3-3. Việc PGS-TS Nguyễn Thị Trâm tìm ra giống lúa lai hai dòng rồi chuyển nhượng với giá kỷ lục 10 tỉ đồng đã tạo được sự đột phá, khích lệ rất lớn đối với ngành khoa học nông nghiệp VN, nhất là lĩnh vực giống.Bộ NN&PTNT cũng đã có kế hoạch mở rộng diện tích lúa lai này trong những năm tới, trước mắt sẽ hỗ trợ 6 triệu đồng/ha sản xuất hạt lai F1 của TH3-3 để nhân nhanh giống cung ứng cho nông dân...PGS Nguyễn Thị Trâm cho biết thực tế: "Nhiều năm nay TH3-3 đã chứng minh được năng suất và chất lượng, được nông dân tin tưởng. Lúc đầu chỉ 4-5ha trồng thử, rồi dần dần lên 30.000ha trồng khắp 26 tỉnh, thành phía Bắc (năm 2007), thậm chí vụ xuân vừa rồi TH3-3 còn "cháy kho", không có để bán. Nói thêm về "đứa con" của mình, PGS Trâm tâm sự: "Thật ra năng suất của TH3-3 chưa bằng được những giống lúa lai ba dòng của Trung Quốc, nhưng TH3-3 lại là giống thích hợp với túi tiền nông dân bởi được sản xuất hoàn toàn trong nước, có nhiều ưu điểm. Nó xứng đáng là "hoa hậu" trong số những đứa con của tôi. Hạt gạo thật trắng, nấu cơm rất thơm, dẻo. Nó lại là kiểu cây bán lùn, thân cứng nên ít bị đổ khi gặp mưa bão, lại kháng được các bệnh đạo ôn, khô vằn, bạc lá…".Một giống lúa bán giá cao như thế lại bán cho tư nhân liệu sẽ bị "ép" để nâng giá? PGS-TS Nguyễn Thị Trâm thẳng thắn: "TH3-3 là một hoa hậu, là đứa con ngoan. Khi để trong nhà tôi cũng thu được mỗi năm hàng tỉ. Nhưng tôi và các cộng sự còn phải làm khoa học, không thể mãi quản lý, kinh doanh trên thân xác TH3-3 được, cũng đến lúc cần chuyển giao cho một đầu mối để có điều kiện phát triển, mở rộng diện tích lúa lai TH3-3. Chính vì thế khi anh Đoàn Văn Sáu, giám đốc Công ty TNHH Cường Tân ở Nam Định, trả 10 tỉ đồng thì tôi thấy đã đến lúc "gả” con cho đi ở riêng. Không chỉ là giá, người tôi "gả” con gái là người từng làm ăn với chúng tôi lâu năm, trong hợp đồng anh cam kết thực hiện các "ước nguyện" của tôi (về giá, về nhân rộng, phát triển diện tích lúa lai TH3-3). Hơn nữa về kỹ thuật, tôi còn giữ "người cha", anh Sáu chỉ mua "người đẻ” nên không có tôi, anh Sáu vẫn không thể làm ăn được gì. Nếu anh Sáu có nâng giá cao quá cũng không được vì phải cạnh tranh giá với các giống lúa lai khác của Trung Quốc, nên không có chuyện giá đến với dân quá cao được".Một đời người chuyên làm giống lúaÍt ai biết được người cho ra đời biết bao nhiêu giống lúa mới như PGS Trâm lại xuất thân không từ đồng ruộng. Quê gốc ở Duy Tiên (Hà Nam), nhưng bà được sinh ra, lớn lên trên đất thép-mỏ quặng Thái Nguyên. Bố mẹ và cả tám anh chị em không ai theo nghề nông, nhưng Nguyễn Thị Trâm vẫn "một mình một ngựa" quyết theo ngành nông khi thi vào trường ĐH nông nghiệp. Tốt nghiệp năm 1968, bà về công tác tại Viện Cây lương thực và thực phẩm và được cố GS nông học Lương Định Của hướng dẫn, dìu dắt. Thời gian này bà đã mày mò, nghiên cứu cho ra đời nhiều giống lúa mới, được phổ biến rộng rãi như NN-9, NN-10, NN-23, NN-75-6... Sau khi được cử đi học tại Viện Nghiên cứu lúa của Liên Xô (cũ) về (1985), bà chuyển về làm công tác giảng dạy tại Trường ĐH Nông nghiệp 1. Vừa giảng dạy, vừa nghiên cứu và tiếp tục cho ra đời nhiều giống lúa mới cho năng suất cao, phẩm chất tốt được công nhận là giống quốc gia, như giống lúa ĐH60, nếp thơm 44, 256...

Trích dẫn:
"Tôi không mạo hiểmGiám đốc Công ty TNHH Cường Tân (Nam Định) Đoàn Văn Sáu (39 tuổi), người đã mua được bản quyền TH3-3, cho biết: "Qua thực tế tôi thấy giống lúa này rất tốt, năng suất cao ổn định, thời gian sinh trưởng ngắn, chống chịu sâu bệnh, gạo ngon dẻo. Đặc biệt cứ sau mỗi vụ, sau mỗi năm số khách hàng của tôi tăng lên, diện tích lúa lai TH3-3 không chỉ ở quanh Nam Trực, Nam Định liên tục được mở rộng, mà ở nhiều địa phương khác cũng thế. Đầu năm 2008, tôi đã đánh tiếng hỏi mua bản quyền và đưa mức giá cao hơn hẳn các công ty lúc đó với mức 5 tỉ đồng nhưng tác giả không bán. Đến tháng 5-2008, tôi quyết định nâng giá gấp đôi, và PGS Trâm gật đầu với một số điều khoản đưa ra tôi cũng thấy hợp lý. Tôi không mạo hiểm, vì dám chắc tôi sẽ thành công nhanh chóng thu lại gốc, bởi khi chưa chuyển nhượng, mỗi năm (từ 2005-2007) tôi đã đưa ra thị trường được 200 tấn hạt giống F1, nay giống trong tay tôi thì số lượng sẽ ngày một tăng"
Nhưng chuyện nghiên cứu của bà thật sự có bước ngoặt kể từ năm 1993. Khi ấy, lần thứ hai bà được bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Công Tạn cử đi học tại Trung Quốc ba tháng với lời nhắn gửi: cố học, ít nhất thu được cái gì về lúa lai để về viết giáo trình giảng dạy. Bà nhớ lại: "Khi đó, Trung Quốc đã nổi tiếng với rất nhiều giống lúa lai ba dòng, còn lúa lai hai dòng cũng có người bắt đầu nghiên cứu nhưng nằm trong vòng bí mật. Mình mà theo nghiên cứu ba dòng thì không lại được với bạn, nhưng nếu chịu khó tìm hiểu loại giống lai hai dòng thì tốt hơn". Được học tại Trung tâm lúa lai Hồ Nam, lại do đích thân GS-giám đốc trung tâm Viên Long Bình, một nhà nông học nổi tiếng Trung Quốc và thế giới về lúa lai, giảng dạy nên đoàn cán bộ VN cũng thu gặt được nhiều thông tin, kiến thức quí báu về lúa lai. Với những kiến thức đã có cộng với tài liệu được học và "học lỏm" từ Trung tâm lúa lai Hồ Nam, về nước PGS-TS Trâm lại âm thầm nghiên cứu, tìm hiểu bí mật công nghệ của lúa lai hai dòng. Năm 1997, những báo cáo bước đầu về "bí mật" của lúa lai hai dòng do bà nghiên cứu đã làm từ các nhà quản lý đến những nhà khoa học nông nghiệp đều vui mừng. Từ lúc đầu (1994) chỉ được cấp 9.000 USD để mua máy móc, xây dựng nhà xưởng để nghiên cứu, về sau Bộ NN&PTNT, Bộ GD-ĐT liên tục dồn kinh phí cho các đề tài, dự án của PGS-TS Trâm cùng các cộng sự nhằm tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện giống lúa lai hai dòng mới. Cuối cùng, tổng số vốn cho "đại công trình" của bà đã lên gần 5 tỉ đồng (cả kinh phí xây dựng, mua thêm thiết bị máy móc) và kết quả đạt được cũng "quá sức tưởng tượng", không chỉ thu hồi được vốn ngay trong những năm thử nghiệm mà từ dòng gen mới tìm ra, PGS-TS Trâm đã nhân dòng tạo thêm rất nhiều tổ hợp lúa lai hai dòng mới "cùng mẹ khác cha" như TH3-4, TH3-5, TH3-11, TH5-1, TH6-3, TH2-3... Giờ ở tuổi 66, dù đã nghỉ hưu nhưng PGS-TS Trâm vẫn tiếp tục bôn ba khắp đồng bằng, miền núi để nghiên cứu, tìm tòi cho ra những giống lúa mới tốt nhất cho nông dân. Bà tiết lộ: "Mình đã tìm hiểu, khảo sát và tới đây sẽ xây dựng vùng nghiên cứu, nhân giống lúa lai tại Sơn La". Và tâm nguyện của bà cũng là làm sao giúp nông dân miền núi có thêm nhiều giống lúa mới thích hợp với điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu để có những mùa vàng bội thu, với những giống lúa tốt nhất do bà làm ra.
(ĐỨC BÌNH)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Thân mời mọi người ghé thăm Blog nhận xét. Tôi sẽ phản hồi trong thời gian sớm nhất! Các bạn vui lòng để lại Email, đễ những phản hồi gởi đến trực tiếp các bạn. Trân trọng!

BÁO NÔNG NGHIỆP VIỆT NAM - KHOA HỌC KỸ THUẬT

BÁO NÔNG NGHIỆP VIỆT NAM - KHUYẾN NÔNG

NÔNG THÔN MỚI - BÁO DÂN VIỆT